Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người thương binh hơn 20 năm đi tìm hài cốt đồng đội

Hoàng Long| 08/12/2015 06:45

(HNM) - Cơ thể chằng chịt vết thương, cánh tay trái vẫn bị hành hạ bởi 2 viên đạn găm vào xương từ thời chiến nhưng người thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đức Phổ (Phù Lưu Tế - Mỹ Đức - Hà Nội) vẫn miệt mài tìm mộ đồng đội suốt hơn 20 năm qua. Lăn lộn khắp các chiến trường, luồn rừng, lội suối,

Chiếc bát thờ của lính

Lớn lên đúng thời chiến, cũng như nhiều chàng trai khác, Nguyễn Đức Phổ viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Lưng ba lô, vai khoác súng bước ra chiến trường. Chàng tân binh được biên chế vào Đoàn 1063 của Hà Tây (cũ), sau đó về Tiểu đoàn D96, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên. Tại đơn vị mới, ông đảm nhiệm công tác văn thư và ghi chép quân số cho đơn vị. Cũng chính bởi công việc ghi chép hằng ngày mà ông đã biết được chính xác thời điểm, tên tuổi, vị trí của những đồng đội đã hy sinh. Cuốn "biên niên" chiến trường của người lính già trở nên hữu hiệu cho công việc tìm mộ sau này.

Ông Phổ (đứng giữa) cùng đồng đội trong một lần đi tìm mộ.



Cùng đơn vị với ông Phổ có 4 tân binh, tuổi sàn sàn nhau đó là Hoàng Xuân Trị, Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Quang Trinh và Nguyễn Phi Hùng. Nhóm 5 người bạn chí thân luôn sát cánh cùng nhau trong mọi gian khổ của chiến trường. Tháng ngày giành nhau từng mét đất với địch, nhiều chiến sĩ ngã xuống trong vô vàn khó khăn, đói kém. Nghĩ đến sự thiệt thòi của đồng đội khi phải làm "ma đói", ông Phổ nhờ dân bản mua cho cái bát đẹp, đôi đũa bền để xới cơm cúng hương hồn chiến sĩ. Tiếng là cơm nhưng hạt cơm "cõng" đủ loại hạt rừng, rau dại, xanh cả bát. Chiếc bát này luôn được ông Phổ nâng niu và giữ cho đến ngày nay.

Nhóm bạn 5 người của ông Phổ thề với nhau rằng, ai may mắn sống sót đến ngày hòa bình, người đó phải đem chiếc bát này về gia đình của những người còn lại để người thân được sờ vào hiện vật, coi như đem theo một mảnh linh hồn lính chiến về đoàn tụ với người thân. Lời thề thiêng, ai ngờ trở thành sự thật đau lòng, bạn ông lần lượt hy sinh, chỉ mình ông sống sót qua bao trận đạn bom. Thế nhưng, rời cuộc chiến, ông cũng đã bao lần bị thương và trong cánh tay trái của ông vẫn còn 2 viên đạn, hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời.

Ngày được về nhà, ông Phổ đã thực hiện lời thề với đồng đội, đem chiếc bát đến từng nhà, động viên người thân của họ. Bao năm ở chiến trường, chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống, nước mắt chỉ chảy ngược vào trong nhưng trước cảnh "đoàn tụ" ở mỗi gia đình, ông không thể cầm nước mắt. Nhìn cảnh đó, nghĩ đến những người bạn bao nhiêu năm nay nằm vô danh nơi xứ lạ, ông quyết chí đi tìm hài cốt của họ về cho bằng được. Từ những người bạn rồi tìm sang cả những người lính khác, hơn 20 năm nay, người cựu binh này không nhớ nổi bao nhiêu lần mình "xách ba lô lên và đi" vào chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sĩ.

Hành trình đẫm mồ hôi và nước mắt

Năm 1993, khi gia đình đã tương đối đề huề, ông gom góp tiền nong, bán bớt đồ trong gia đình được 1 triệu đồng để lên đường vào Tuy Hòa - Phú Yên tìm mộ. Ông Phổ nói, anh em đã hy sinh cho mình được sống, mình phải có trách nhiệm trong việc đem hài cốt của anh em về. Việc làm này hoàn toàn tự nguyện, theo lương tâm của mình chứ không cần phải ai ghi nhận, trả công.

Khi vào đến Tuy Hòa, Phú Yên, ông Nguyễn Đức Phổ liên lạc được với một số đồng đội ngày xưa và nhận được sự giúp đỡ rất chí tình của họ. Ông Phổ lội rừng, băng suối vào các chiến trường xưa như Tổng Đọc, A4, Hòn Na, Gộp Mòng Mòng, Gộp Mùa Thu để tìm đồng đội. Đường đi gian nan, vắt, muỗi rừng nhiều vô kể nhưng ông vẫn không nề hà.

"Có lần chúng tôi đi thấy những vết chân hổ to như cái bát, rồi vắt rừng, rắn rết không kể xiết. Có lúc đang ngồi nghỉ, tôi thấy ngứa ngứa ở bụng, thò tay vào thì phát hiện một con vắt to bằng ngón tay đã no máu. Trong đoàn đi có người bị sốt rét, có lúc phải đối mặt với lũ rừng, nước suối dâng cao, cây gai cứa da cứa thịt…" - ông Phổ nhớ lại. Thậm chí, có những lần đào mộ, suýt chạm vào lựu đạn chưa nổ ở dưới đất. Những lần đó, ai cũng ớn lạnh nhìn nhau, cảm giác như thần chết sờ gáy.

Một lần luồn rừng ở Quảng Nam tìm mộ, vì quá nhiều vắt, nhóm của ông phải tìm chỗ cao để ngồi nghỉ. Lúc đó, ông Phổ tìm chỗ đi vệ sinh, chợt nhìn thấy cây sim chín trĩu cành, quả ngọt lịm. Chạy ra hái thì đột nhiên nhìn thấy bên cạnh có một đống đá nhỏ, có bia khắc tên tuổi của liệt sĩ Nghiêm Văn Phấn - Tam Hưng - Thanh Oai - Hà Tây. Mừng hơn được vàng, ông Phổ gọi mọi người cùng đoàn, hoàn thành các thủ tục cần thiết để đào hài cốt. Mừng rỡ hơn nữa, ở riêng quanh khu vực nấm mộ đó, ông Phổ phát hiện ra hơn 100 mộ khác, hầu hết của thanh niên xung phong, bộ đội trên đường vào Nam bị tập kích. Sự kiện này được nhiều người dân tỉnh Quảng Nam biết đến.

Với hơn 200 ca tìm mộ, riêng ở tỉnh Phú Yên khoảng 100, mỗi lần tìm mộ là một kỷ niệm đáng nhớ. Một lần, ông phát hiện được danh tính của một liệt sĩ tên Vũ Bá Hùng và đã gửi thư thông báo cho gia đình liệt sĩ này. Vị cha già quắc thước của vị liệt sĩ cầm được lá thư, chạy vội ra ruộng báo tin cho vợ, ngã sấp ngã ngửa mấy lần. Biết tin con, cả nhà mừng khôn xiết, đến nhờ ông Phổ dẫn vào chiến trường mang hài cốt về. Thời điểm đó đã gần Tết, gia đình quá mong mỏi và muốn hương hồn liệt sĩ về ăn Tết cùng nên ông Phổ lại quay vào tìm. Mặc dù, ông vừa tìm mộ ở chiến trường cũ trở về được một ngày.

Ấn tượng sâu sắc với ông Phổ hơn cả là trường hợp của con gái liệt sĩ Kiều Xuân Tẩy, quê Quốc Oai, Hà Tây. Khi vào chiến trường Phú Yên, ông Tẩy nên duyên với một người phụ nữ tại đây và có một cô con gái. Cô gái tên là Hận, chưa kịp chào đời thì cha đã hy sinh. Vì điều kiện ghi chép lúc đó hạn chế, cô bé phải sống trong sự không rõ ràng về lai lịch, không có giấy khai sinh, không được hưởng chế độ của thân nhân liệt sĩ trong suốt 18 năm trời. Vì chính tay mình chôn cất ông Tẩy nên khi vào tìm, ông Phổ đưa mộ ông Tẩy về quê hương và đồng thời minh oan cho gia đình cô bé tên Hận. Lúc dẫn cô gái về quê cha nhận họ hàng, vợ ông Phổ cứ ngỡ rằng ông có con riêng. Tuy nhiên, khi hiểu ra, bà hết sức cảm động trước câu chuyện về gia đình cô bé.

Hơn 20 năm tìm mộ, ông Phổ quy tập được hơn 200 hài cốt liệt sĩ, đưa về tận tay cho các gia đình thân nhân. Nhiều lần gia đình đưa cả xấp tiền cảm tạ nhưng ông từ chối. Ông Phổ cũng tư vấn cho nhiều gia đình phải tỉnh táo khi họ nhờ thầy bói tìm mộ. Trong đó có trường hợp một liệt sĩ hy sinh ở Hòa Trị mà thầy bói lại bảo chôn ở Tuy An. Ông Phổ phản đối ngay, bảo 2 địa phương này cách nhau rất xa, đường lại vòng vèo. Trong điều kiện chiến tranh không thể có chuyện chết ở một nơi mà chôn ở một nơi cách biệt như thế. Cuối cùng gia đình thân nhân liệt sĩ đã nghe ông.

Những di vật, lá thư của đồng đội được ông Phổ giữ như đồ gia bảo và nhiều món đồ được đưa vào lưu giữ tại các viện bảo tàng. Với những cống hiến của mình, ông Phổ nhận được nhiều giấy khen của các cấp chính quyền, đặc biệt là Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, ông cũng nhận được sự trân trọng của nhiều đơn vị quân đội, thân nhân gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên, ông Phổ vẫn mang theo một nỗi áy náy lớn: "Chỉ tiếc tôi vào hơi muộn, lúc đó đã diễn ra nhiều đợt quy tập nên nhiều anh em phải chịu cảnh vô danh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thương binh hơn 20 năm đi tìm hài cốt đồng đội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.