Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người thổi hồn vào đá

Nguyễn Chuyển| 27/01/2013 06:44

(HNM) - Ông Pháp có niềm đam mê vô tận về đá. Từ đá, ông tạo tác thành nhiều tác phẩm thú vị như người lính Cụ Hồ, bản đồ Việt Nam, chùa Một Cột. Người ta gọi ông là "Người thổi hồn vào đá".

Căn nhà toàn… đá

Không khó để nhận ra ngôi nhà của ông Phạm Quang Pháp ở xã Bình Thạnh, Tuy Phong, Bình Thuận. Nằm khiêm tốn trong một khu làng nhỏ ven biển, từ trong ngôi nhà ra đến sân tràn ngập… đá. Ngay khi bước vào, chúng tôi đã bắt gặp những bồn hoa được rải những viên đá 7 màu, bố trí theo từng ô với màu sắc riêng rất đẹp. Trong nhà là những bức tranh đá thú vị miêu tả cảnh người lính Cụ Hồ chiến đấu, bản đồ Việt Nam, chùa Một Cột, chữ Nhẫn, phong cảnh… Tất cả hơn 200 tác phẩm đá, hoặc lấy từ tự nhiên, hoặc do chính bàn tay của ông tạo tác.

Ông Pháp và tác phẩm đá.


Giữa vô số bức tranh đá, ông Pháp say sưa giới thiệu cặn kẽ với chúng tôi những tác phẩm đá mang dáng dấp, hình thù người lính, rừng cây. Ông bảo, 17 tuổi ông đi bộ đội, kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, ông Pháp hay đi dọc bãi đá biển Cà Dược (Liên Hương - Tuy Phong - Bình Thuận, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chọn là bãi đá có nhiều hình hài, màu sắc nhất Việt Nam) để giải khuây nỗi nhớ đồng đội. Ông Pháp phát hiện bãi đá ở đây có nhiều màu sắc đẹp và những khối đá có nhiều hình thù kỳ lạ, bí ẩn đem nhặt về. Niềm đam mê tạo tác đá của ông bắt đầu từ đó. Và dưới bàn tay, con mắt cùng trí tưởng tượng của ông, những viên đá vô tri vô giác tưởng như không ai chú ý trở nên có hồn.

Đề tài Bác Hồ và Hà Nội

Ông Pháp tâm sự rằng, trong thời gian ở chiến trường, ông được học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại qua những bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù". Sự giản dị mà tràn đầy lạc quan của Bác đã ăn sâu và trở thành chân lý sống suốt quãng đời của ông. Năm 2003, ông Pháp quyết tâm thử sức mình bằng việc ghép đá đề thơ. Ông Pháp đã lấy đá thể hiện một số bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" bằng chữ Hán như bài Tự miễn, Vọng nguyệt... Viết chữ Hán trên giấy đã khó, lấy đá xếp thành lại càng khó hơn. Cái khó nhất khi thực hiện không phải là việc tạo nên một bức tranh đẹp mà phải thể hiện được ý tưởng vừa bảo đảm tính nghệ thuật thẩm mỹ, vừa có độ nét và độ chính xác của từng câu, chữ. Đối với tác phẩm "Nhật ký trong tù", ông Pháp phải tìm rất nhiều đá trong một thời gian rất dài, nhiều khi phải cặm cụi dọc theo bờ biển nhiều ngày.

Ông Pháp kể, lúc mới thực hiện, ông mất tới ba tuần mới xếp được một chữ. Sau này quen tay, nhanh hơn rất nhiều. Điều thú vị, những chữ đá này sống động đến nỗi, thoạt đầu khiến chúng tôi lầm tưởng được viết trên giấy bằng mực Tàu.

Khi còn là người lính, có lần hành quân rồi ghé qua Hà Nội, mùi hoa sữa thoang thoảng trong cái se se lạnh của những ngày chớm đông thuở ấy đã đọng lại trong ông đến tận giờ này. Vậy nên, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Pháp nảy sinh ý định tạo tác những tác phẩm bằng đá rất riêng về Hà Nội. Hằng ngày, ông Pháp canh đến khi mặt trời lên cao, đứng trên bãi đá bảy màu, lợi dụng ánh nắng chiếu vào đá, phản xạ màu sắc rồi tìm những viên đá đẹp và hợp. Cứ như vậy, ông đã tạo ra những tác phẩm về Hà Nội tuyệt đẹp như Khuê Văn Các hay chùa Một Cột. Hai tác phẩm này thường được ông Pháp mang đi triển lãm trong những lần có sự kiện lớn ở địa phương.

Đối với người cựu chiến binh này, những tác phẩm trên là báu vật không thể đong đo bằng giá trị vật chất, vì nó là những sản phẩm thể hiện tình yêu của ông đối với Bác Hồ - người Cha kính yêu của dân tộc, về Hà Nội - trái tim của Tổ quốc.

Gần 30 năm mải mê với đá, đến giờ này, ông Pháp đã ngoài 80 tuổi. Ông bảo, không mong gì hơn là mình có thêm sức khỏe để thực hiện thêm nhiều tác phẩm có giá trị khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người thổi hồn vào đá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.