(HNM) - P.Ăngghen (Friedrich Engels) là người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người bạn tâm giao, gần gũi và bạn chiến đấu của C.Mác (Karl Marx). Cùng với C.Mác xây dựng lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học và đấu tranh không khoan nhượng, không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân bị áp bức trên thế giới, P.Ăngghen có những cống hiến mang dấu ấn riêng.
1. Năm 1844, P.Ăngghen gặp C.Mác và đây là dấu mốc quan trọng mở đầu cho tình bạn sâu sắc giữa hai nhà tư tưởng, hai lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân mà cơ sở, nền tảng là tư tưởng đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản. C.Mác và P.Ăngghen là đồng tác giả của tác phẩm “Gia đình thần thánh” (1845) nhằm phê phán chủ nghĩa duy tâm, khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Năm 1845, P.Ăngghen cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh”, qua đó chỉ ra rằng, giai cấp vô sản không chỉ là một giai cấp đau khổ mà sẽ tiến lên, đấu tranh để vĩnh viễn giải phóng mình.
Năm 1848, P.Ăngghen cùng C.Mác viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đây là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh thực hiện sự nghiệp giải phóng. Trong thời gian này, khi C.Mác tập trung viết bộ “Tư bản”, P.Ăngghen tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm rõ nhiều nội dung quan trọng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Những nghiên cứu của P.Ăngghen được tập hợp trong tác phẩm nổi tiếng “Chống Duyrinh” (1878), với nội dung cơ bản là khẳng định 3 bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác là triết học Mác xít, chính trị kinh tế học Mác xít và lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tác phẩm bảo vệ lý luận Mác xít, chống lại các biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản, góp phần hoàn thiện lý luận của học thuyết Mác.
Sau khi C.Mác mất (năm 1883), P.Ăngghen tổ chức biên tập và xuất bản quyển 2 và quyển 3 bộ “Tư bản” mà C.Mác chưa kịp hoàn thành và viết một số tác phẩm quan trọng khác… Cuối đời, P.Ăngghen vẫn tích cực tham gia vào đời sống chính trị ở châu Âu. Đại hội quốc tế những người xã hội chủ nghĩa (tổ chức tại Pháp, năm 1889) với sự tham gia lãnh đạo của P.Ănghen đã giành thắng lợi cho chủ nghĩa Mác, khôi phục sự đoàn kết các đảng xã hội chủ nghĩa...
Gần 60 năm hoạt động cách mạng trong cuộc đời 75 mùa xuân (1820-1895), P.Ăngghen có nhiều cống hiến to lớn đối với chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Nổi bật nhất là cùng với C.Mác sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác; chỉ ra quy luật vận động của lịch sử, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, nhận thức khoa học để cải tạo thế giới.
Dấu ấn đặc biệt của P.Ăngghen là nghiên cứu kinh tế chính trị học và là nguồn cảm hứng giúp C.Mác phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản là quy luật giá trị thặng dư. Cùng với C.Mác, P.Ăngghen có cống hiến đặc sắc trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, là một điểm trọng yếu trong học thuyết Mác. P.Ăngghen khẳng định, giai cấp công nhân là lực lượng duy nhất sáng tạo ra xã hội mới bằng việc thiết lập đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản. Chỉ có Đảng của giai cấp công nhân mới có khả năng lãnh đạo đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2. Theo V.Lênin, muốn hiểu P.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải hiểu thấu ý nghĩa học thuyết và hoạt động của C.Mác. Hai ông đều là nhà bác học, người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại.
75 năm qua từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt là trong gần 35 năm đổi mới.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của P.Ăngghen, đất nước ta quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.
Dưới ánh sáng tự phê phán của P.Ăngghen, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhận thức rõ Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu về lý luận và thực tiễn qua gần 35 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, thực tiễn thế giới và xu thế phát triển của lịch sử. Những thành tựu đó có nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh trước hết là nhờ vũ khí không gì thay thế được là tư tưởng của C.Mác, P.Ăngghen, V.Lênin; là nhờ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm đã có là tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới, phát triển, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.