(HNM) -
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nhiều đời làm nghề dạy học nơi xứ Thanh nghèo khó hiếu học, nghề dạy học đã trở thành duyên, thành nghiệp theo thầy suốt cả cuộc đời. Năm 1955, thầy được Nhà nước cử đi học chuyên ngành lịch sử tại ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau 6 năm miệt mài đèn sách bên đất bạn, về nước, thầy trở thành giảng viên chuyên ngành lịch sử thế giới của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1996 đến năm 2001, thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Trung Quốc học thuộc Khoa Đông phương, Trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2001-2007 thầy là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc. Từ một ngành học non trẻ ban đầu, đến nay, ngành Trung Quốc học đã trở thành một thương hiệu của Trường ĐHKHXH&NV.
Thầy viết không quá nhiều sách và giáo trình, nhưng đó đều là những cuốn được tái bản nhiều lần và là sách gối đầu giường của sinh viên chuyên ngành lịch sử thế giới như Lịch sử thế giới cận đại, Lịch sử Trung Quốc cận đại, Lịch sử giáo dục Minh Trị Duy Tân (Nhật Bản), Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam - một cách nhìn… Với lịch sử Việt Nam, dù không là sở trường nhưng thầy vẫn có niềm yêu thích đặc biệt. Thầy thường nói: “Nếu không biết sử Việt Nam mà nghiên cứu sử thế giới thì như là cây không có gốc vậy, nếu chỉ tìm hiểu sử Việt Nam mà tách ra khỏi nhãn quan, tầm nhìn của khu vực và thế giới thì không thể có cái nhìn toàn diện và sâu sắc”. Bởi vậy, những công trình nghiên cứu của thầy về các vấn đề của lịch sử châu Á và Việt Nam, về giao thoa văn hóa, về Nho giáo, hẹp hơn là cách nhìn nhận về các nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Phan Châu Trinh, Tôn Trung Sơn, Nguyễn Trường Tộ… đều sâu sắc và gây ấn tượng.
Sinh viên vẫn thường truyền tai nhau: nghe thầy Hồng giảng bài rất “kỳ thú” - đó là khi nhãn quan rộng mở của một chuyên gia nghiên cứu sử thế giới hòa quyện với tư duy thâm trầm, sâu sắc của một nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông. - “Tôi thích dùng Văn để dạy Sử” - thầy thường chia sẻ như vậy với đồng nghiệp và học trò. Ông Lý Gia Trung, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, từng học tiếng Việt với thầy Hồng khi thầy là lưu học sinh tại Trung Quốc, kể lại rằng: “Dường như muốn gợi lên trong tôi niềm hứng thú học tiếng Việt, nên ngay từ buổi phụ đạo đầu tiên, anh Hồng đã đọc cho tôi nghe một số câu thơ trong “Kim Vân Kiều truyện”. Mặc dù chưa hiểu gì nhưng tôi cảm thấy tiếng Việt cũng đẹp và rung động như tiếng Pháp. Từ đó đến nay thời gian đã hàng chục năm, đồng chí Nguyễn Văn Hồng luôn là người thầy và người bạn thân thiết của tôi”.
Tự ví mình có đôi chút tính cách của thầy đồ Nho, một chút “gàn”, một chút “kiêu”, một chút “khó”, cả cuộc đời thầy sống ngay thẳng, yêu đời và quý người. Không bon chen cũng chẳng vội vã, thầy tin vào số phận. Ngoài việc dạy học và nghiên cứu, một góc lớn của tình yêu và cuộc đời thầy gửi gắm vào thơ ca. Thơ về quê hương, đất nước, thơ tặng danh nhân, bạn bè, đồng chí... hay đôi khi chỉ là những xúc cảm, suy tư thoáng vụt qua. Thầy viết thơ bằng chữ Hán, tự phiên âm và dịch thơ. Đong đầy những cảm xúc và chiêm nghiệm, những bài thơ chữ Hán của thầy lần lượt ra đời, đọng lại trong tập “Dã thảo”, gây ngạc nhiên cho ngay cả những nhà phê bình. Thơ ca đã giúp thầy kết giao được nhiều bạn bè và để lại trong lòng họ những ấn tượng sâu sắc. GS Văn Trang, ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân có dịp đọc tập thơ “Dã thảo” đã có lời đề tặng: Dã Thảo ở nước Nam/Thu đông không khô chết/Ngàn năm còn giữ nếp/Vạn dặm chim hồng Nho/Hoa Việt cùng thưởng thức/Núi sông cùng vui ca/Sao không ngâm nga nhỉ ?/Bác Hồ có học trò.
Một đồng nghiệp cùng ngành sử, GS Chương Thâu, từng nói: “Người tiêu biểu còn lại cho một thời kỳ Văn - Sử - Triết bất phân của ĐH Tổng hợp xưa, đó là PGS Nguyễn Văn Hồng”. Còn tôi, cũng như nhiều thế hệ học trò lại yêu mến, tìm thấy ở thầy sự hòa quyện thú vị và tài tình giữa cốt cách một ông đồ Nho sâu sắc với tính cách sôi nổi, hướng ngoại của một nhà nghiên cứu khoa học hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.