Với đồng bào người Tày, Nùng - những ngày Tết Nguyên đán là dịp con cái thực hiện lễ, nghĩa với cha mẹ, tổ tiên. Một năm, người Tày, Nùng có 2 ngày thực hiện tục “pây tái” tức “hấp hôn” vào ngày mùng 2 Tết và ngày rằm tháng Bảy. Tục “pây tái” là bổn phận của những người phụ nữ Tày, Nùng sau khi đi lấy chồng.
Ngày xưa, do vùng Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh giáp biên phía Bắc có địa hình đồi núi trùng điệp, giao thông cách trở, còn nhiều thiếu thốn. Từ bên nhà chồng về nhà bố mẹ vợ có khi phải đi bộ trên chục cây số đường đồi núi. Vì vậy ngay từ sáng sớm Mùng 2 Tết, người phụ nữ đã cùng chồng chuẩn bị quà để “pây tái” bên nhà ngoại.
Quà “pây tái” gồm: con gà trống thiến (hoặc cân thịt heo), bánh khảo, 2 cặp bánh chưng và cặp rượu do nhà nấu. Nếu cặp vợ chồng nào kinh tế khá hơn chút thì mua thêm gói kẹo, cân trà và gói bột ngọt. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, đôi vợ chồng quảy gánh quà để về ngoại cùng với con cái nếu có.
Ngày nay, giao thông không còn khó khăn như trước, phương tiện đi lại ở vùng quê không còn thiếu. Tuy nhiên với người Tày, Nùng dù sống ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S cũng không thể quên tục “pây tái” vì nó hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Dưới đây là một số hình ảnh chuẩn bị quà của người phụ nữ Tày, Nùng tại nhiều vùng miền để “pây tái” trong ngày Mùng 2 Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Gia đình anh Bế Văn Tình, người Tày ngụ xóm Pó Mán, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, từ sáng sớm Mùng 2 Tết đã chuẩn bị quà để “pây tái”. |
Chị Nông Thị Bích, người Tày ngụ ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, đang chuẩn bị quà để “pây tái” cùng chồng. |
Chị Hoàng Thị Ba, người Tày ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cũng đang chuẩn bị quà để “pây tái” vào Mùng 2 Tết. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.