Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người quản lý di tích... phá di tích!

Bài và ảnh: Dạ Khánh - Thùy Ngân| 07/03/2014 07:54

(HNM) - Tối 2-3, nhằm đúng ngày nghỉ, Ban Khánh tiết Quán Cựu (người dân còn gọi là đình Cựu Quán, thuộc thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đã cho người phá dỡ mái nối giữa nhà đại bái và hậu cung, lấy 4 thanh kèo bằng gỗ sưa đem bán.

Phá đình, dỡ kèo, bán gỗ câu chuyện hy hữu này đã gây bức xúc trong dư luận khi 4 thanh gỗ được xác định là gỗ sưa (một loại gỗ quý hiếm) có giá trị lên đến 1,2 tỷ đồng. Điều đáng nói là việc làm này do chính những người được người dân tin tưởng giao trọng trách trông coi di tích.

Hiện trạng ngổn ngang tại đình Cựu Quán.


4 thanh gỗ sưa giá 1, 2 tỷ đồng

Mặc dù sự việc xảy ra tối 2-3, tuy nhiên theo UBND xã Đức Thượng, đến 14h ngày 3-3, xã mới nhận được tin báo của người dân về việc này (?!). Mặc dù sự việc xảy ra vào ngày chủ nhật, nhưng điều khó hiểu hơn là nơi xảy ra sự việc chỉ cách trụ sở UBND xã, Công an xã Đức Thượng một bức tường rào.

Tìm hiểu thông tin từ Công an xã Đức Thượng, được biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, lãnh đạo công an xã đã cử người đến hiện trường, lập hồ sơ. Quá trình xác minh, công an xã đã xác định được 6 cá nhân tham gia vào việc dỡ mái và bán gỗ sưa gồm: Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Phú Ngà, Trưởng thôn Nguyễn Phú Lực, Trưởng ban Khánh tiết Nguyễn Ích Chắt, Phó ban Khánh tiết Nguyễn Ích Bạ, Chi hội trưởng Người Cao tuổi Đàm Văn Sáu, thủ từ Nguyễn Hữu Thắng. 4 thanh gỗ sưa có trọng lượng 127,5kg được tính tròn là 120kg (trừ 7,5kg rác gỗ vì các thanh gỗ vẫn thô sơ, chưa được bào nhẵn) với giá tiền 10 triệu đồng/kg. Tổng số tiền bán gỗ là 1,2 tỷ đồng. Theo lời khai của ông Nguyễn Ích Bạ, số tiền thu được đã gửi 500 triệu đồng tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoài Đức, còn lại 700 triệu đồng thì mua ruộng ở gần chùa và mua đồ gỗ sửa lại mái vẩy của đình. Công an huyện Hoài Đức đã phối hợp với công an xã lập biên bản tạm giữ 1 quyển số tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng đứng tên ông Nguyễn Ích Bạ.

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thượng cho biết: Theo trình bày, 6 người (nêu trên) đã tự ý quyết định dỡ mái đình bán gỗ sưa để lấy tiền mua đất mở rộng khuôn viên đình. Việc làm này không được bàn thảo với nhân dân cũng như báo cáo với lãnh đạo xã, gây bất bình trong dư luận...

Nói thêm về kế hoạch bán gỗ sưa lấy kinh phí mua ruộng mở rộng khuôn viên đình Cựu Quán, chính quyền xã cho biết hoàn toàn không được báo cáo việc này. Hơn nữa, phần ruộng được mua lại là ruộng thuộc quyền quản lý và sử dụng của một trong số các thành viên tham gia vụ việc và người nhà của họ là ông Nguyễn Ích Chắt và con rể ông Đàm Văn Sáu. Do đó, "kế hoạch" bán gỗ sưa để mở rộng khuôn viên đình Cựu Quán có xuất phát từ mục đích tư lợi cá nhân.

Vì sao người dân phẫn nộ?

Theo thông tin từ công an xã, người đứng ra mua số kèo gỗ sưa trên là Ni sư Thích Diệu Bản - trụ trì chùa Bát Phúc, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng). Trong hồ sơ ghi lời khai của Ni sư Thích Diệu Bản của cơ quan công an có ghi: Ngay khi xe chở 4 thanh kèo gỗ sưa đến cổng chùa, một số người không rõ lai lịch đã ép nhà chùa bán lại với giá 1,2 tỷ đồng và chở đi ngay trong đêm đó. Như vậy đến nay, 4 thanh kèo gỗ sưa trên không biết đang lưu lạc nơi nào. Trưởng Công an xã Đức Thượng Trần Văn Thảo cho biết: Qua củng cố hồ sơ, nhận thấy sự việc phức tạp, chúng tôi đã báo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời xét thấy vụ việc vượt quá thẩm quyền, ngày 4-3 đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an huyện Hoài Đức để tiếp tục điều tra làm rõ sự việc.

Làm việc với Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Hoài Đức, ông Đỗ Văn Thúy - Trưởng phòng nhận định: "Đây đúng là một sự việc đáng tiếc và hy hữu. Điều đau lòng hơn là chính những người quản lý di tích đã… phá di tích!". Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 196 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 91 di tích đã được xếp hạng. Đình Cựu Quán nằm trong số những di tích chưa được xếp hạng. Cái khó hiện nay là do chưa được xếp hạng nên đình Cựu Quán vẫn chưa được lập hồ sơ, mọi đồ vật có giá trị văn hóa, lịch sử trong đình đều chưa có bất kỳ thống kê nào.

Theo quy trình quản lý di tích của huyện Hoài Đức, ngoài Phòng VH-TT, Ban Tôn giáo, thì cấp xã do các ban quản lý di tích quản lý, đứng đầu là chủ tịch, phó chủ tịch xã; cấp thôn do tiểu ban khánh tiết quản lý, đứng đầu là trưởng thôn. Việc chính những người có chức sắc, chịu trách nhiệm trước người dân địa phương quản lý đình trực tiếp ra quyết định phá đình lấy gỗ sưa đem bán khiến người dân hết sức phẫn nộ. Trả lời phóng viên về: "Có hay không việc đình Cựu Quán quá xuống cấp nên cần phá dỡ, tu bổ?", ông Thúy khẳng định: "Từ khi tôi về làm Trưởng phòng VH-TT huyện đến nay, chưa bao giờ nhận được ý kiến hay đơn đề nghị xin được tu bổ đình".

Từ sự việc "có một không hai" - những người được trao trọng trách trông coi di tích phá đình, dỡ kèo, bán gỗ xảy ra tại thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, có thể nhận thấy hiện nay đang có lỗ hổng lớn trong công tác quản lý các di tích, đặc biệt là các di tích chưa được xếp hạng. Thanh kèo gỗ sưa giá trị bạc tỷ là cái lớn, người dân có thể phát hiện được. Liệu còn có những hiện vật khác bị chính người quản lý, trông giữ đình đem bán hay không?

Báo cáo việc tự ý tháo dỡ tại đình Cựu Quán trước ngày 15-3

- Chiều 6-3, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: Đình thôn Cựu Quán xã Đức Thượng chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, hiện tại di tích được UBND huyện quản lý trực tiếp theo phân cấp tại Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2-3-2011 của UBND thành phố. Sau khi vụ việc xảy ra, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan của huyện phối hợp với UBND xã Đức Thượng khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh ngay các sai phạm mà báo chí, dư luận đã nêu và báo cáo thành phố bằng văn bản kết quả đã giải quyết vụ việc trước ngày 15-3.

- Cũng trong ngày 6-3, UBND huyện Hoài Đức đã có văn bản số 558/UBND-VP giao Trưởng CA huyện tổ chức lực lượng, phối hợp với UBND xã Đức Thượng điều tra nắm bắt tình hình, làm rõ sự việc, nếu có dấu hiệu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây phức tạp và mất an ninh trật tự tại địa phương. Huyện giao UBND xã Đức Thượng có trách nhiệm bảo đảm an ninh bảo vệ hiện trường, bảo quản chống thất thoát hiện vật tại đình Cựu Quán và có phương án khắc phục lại nguyên trạng kiến trúc, báo cáo UBND huyện theo quy định.


Đà Đông

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người quản lý di tích... phá di tích!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.