Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người phố cổ chưa muốn “giãn dân”

Theo VTV| 07/08/2010 20:13

Chất lượng sống xuống cấp nặng nề là điều ai cũng thấy và muốn được thay đổi ở khu phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên theo khảo sát, chỉ có 2.700/6.500 hộ dân trong diện di dời muốn được di chuyển theo đề án “giãn dân phố cổ”.

 Ông Nguyễn Xuân - người vừa “thoát” khỏi khu phố cổ cho rằng, trước đây, nghĩ đến khu phố cổ trung tâm thủ đô, nhiều người không dám nghĩ mình có thể sở hữu một ngôi nhà ở đây, lý do vẫn là chuyện mặt bằng giá bất động sản ở khu vực này quá đắt.

Giờ đây, sự sầm uất nơi phố cổ đã không còn che giấu được những mảng không gian sống xuống cấp, xập xệ phía sau những dãy nhà mặt phố. Trong gần chục năm nay, không ít người như ông Xuân đã tìm mọi cách để tự giải thoát mình.

Ông Nguyễn Xuân, Người dân vừa chuyển khỏi 30 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Đằng sau nhà tôi là khu vệ sinh, mở cửa ra là không chịu được, đóng cửa thì không có ánh sáng, mưa một tý thì nước dềnh lên ngập vào nhà… Nhà hơn 30 mét vuông, có sổ đỏ mà tôi chào bán trong 7 năm trời, tốn bao nhiêu tiền đăng báo Mua - Bán, vừa rồi mới bán được với giá 800 triệu đồng”.

30 mét vuông nhà có sổ đỏ trong khu phố cổ, bán giá 800 triệu đồng. Với mặt bằng giá bất động sản hiện nay ở Hà Nội, chắc ít người có thể tưởng tượng ra. Điều này chứng tỏ giá trị thật và chất lượng thật của không gian phố cổ Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát lại cho thấy, trong 6.500 hộ dân sẽ phải di chuyển theo đề án “Giãn dân phố cổ” của Thành phố Hà Nội, chỉ khoảng 2.700 hộ là đồng ý tự nguyện di chuyển. Lý do của những người muốn ở lại xem ra hoàn toàn chính đáng và sẽ là trở ngại thực sự khó giải quyết với đề án “Giãn dân phố cổ”.

Ông Nguyễn Hữu Bảo, Người dân số nhà 48 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho rằng, đó là yếu tố tâm lý tinh thần, chúng tôi đã quá quen với không gian sống, với hạ tầng ở đây…

Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Trong đề án Giãn dân phố cổ, vấn đề tạo điều kiện sinh nhai cho người dân cũng đã được đặt ra: Tại các chung cư cao tầng tái định cư cho dân phố cổ, 35% là dành cho diện tích sàn kinh doanh - dịch vụ, các chung cư có thể thiết kế các căn hộ thông tầng tạo điều kiện cho người dân kinh doanh”.

Tuy nhiên, chắc phải đợi tới khi các phương án di chuyển giãn dân phố cổ được thông qua và kết quả của giai đoạn đầu giãn dân - dự kiến được thực hiện vào tháng 10 năm nay thì mới có thể nói về hiệu quả thực tế của đề án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phố cổ chưa muốn “giãn dân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.