(HNM) - Luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào, đặc biệt từ năm 2008 đến nay chị đã giúp đỡ được 3 thanh niên mới lớn chậm tiến ở địa phương tiến bộ, được CATP khen thưởng về thành tích trong phong trào quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội.
Chị là Nguyễn Thị Ký - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Quang, đồng thời là chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm Hòa Bình (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).
Trên cương vị là một người cán bộ, cũng là một người mẹ nên chị Ký hiểu sâu sắc nỗi khổ tâm của các bậc phụ huynh có con em sa chân vào các tệ nạn xã hội vậy. Được học tập Nghị quyết 01 liên tịch giữa ngành CA và Hội LHPN về quản lý giáo dục con em từ gia đình không mắc ma túy và tệ nạn xã hội, năm 2008, chị Ký đã đăng ký giúp đỡ Lê Văn Thành, 16 tuổi, lúc đó đang học phổ thông đã bị nhà trường đuổi học. Chị Ký cùng với gia đình động viên, phân tích cho Thành điều hay lẽ phải, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Thành. Được khuyên nhủ kịp thời, Thành đã chăm chỉ học hành trở lại và đến nay đang theo một lớp học nghề. Năm 2009, chị lại đăng ký giúp đỡ Nguyễn Văn Thìn, 17 tuổi. Do gia đình khó khăn, bố mẹ mải kiếm tiền mưu sinh, Thìn không được học hành đến nơi đến chốn, đã vậy lại không chịu lao động mà chỉ mải chơi bời. Từ gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân và lựa lời khuyên giải Thìn, chị đã đề nghị Hội phụ nữ xã Đông Quang đứng ra tín chấp giúp gia đình Thìn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Vì để mua một máy gặt đập liên hoàn cho Thìn cùng đi làm. Từ đó Thìn dần thay đổi, chăm chỉ làm việc. Năm 2010, Thìn đã nộp đơn tình nguyện đi bộ đội, lập được nhiều thành tích xuất sắc và được đơn vị tặng giấy khen. Năm 2011, nghe người dân địa phương phản ánh, chị Ký đã nhận giúp đỡ Lê Hữu Thà, 17 tuổi. Học hết lớp 9, Thà ở nhà phụ giúp gia đình kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên Thà không chịu lao động, mải chơi và hay nói dối. Nghe Thà tâm sự, nhiều lần bị bố mẹ đánh mắng chỗ đông người làm Thà xấu hổ, chị Ký đã gặp riêng phụ huynh của Thà, phân tích và tư vấn về phương pháp nuôi dạy con cái. Cũng từ đó, Thà đã ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, tháng 1-2012 trúng tuyển vào bộ đội trong niềm vui phấn khởi của gia đình và làng xóm.
Qua giúp đỡ các đối tượng, chị Ký nhận thấy rằng thanh niên mới lớn rất cần sự quan tâm giáo dục của gia đình và xã hội, đặc biệt là phải có phương pháp phù hợp như các cụ đã nói "Nói ngọt lọt đến xương" cần gì phải roi vọt, mắng chửi. Từ sự chân thành, tình cảm yêu thương, chị Ký đã có những lời khuyên bảo tận tình, những phút giây lắng nghe tâm tư của các bạn trẻ, để từ đó giúp các em tránh xa tệ nạn, cám dỗ, trở thành những người công dân tốt, có ích cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.