Khoảng 45.000 người Nhật hôm qua (11/3) tham gia một cuộc biểu tình lớn ở Tokyo nhằm phản đối năng lượng hạt nhân, nhân dịp kỷ niệm một năm thảm họa động đất sóng thần.
Yuko Hirono, người dẫn theo đứa con 4 tuổi đến cuộc biểu tình ở Tokyo, là một trong số những người Nhật đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống của họ 12 tháng qua. "Tôi không chỉ muốn thấy các cuộc biểu tình ở trên truyền hình, khi không có gì xảy ra hay thay đổi cả", cô nói. "Tôi nghĩ sự phản đối với năng lượng hạt nhân đang tăng lên".
Người biểu tình chống năng lượng hạt nhân ở Koriyama, tỉnh Fukushima. Ảnh: AFP |
Các cuộc biểu tình chống năng lượng hạt nhân khác cũng được tổ chức tại nhiều nơi trên nước nhật. Tại Osaka, những người biểu tình kêu gọi chính quyền bỏ kế hoạch tái khởi động nhà máy hạt nhân ở địa phương trước cuối tháng này. 250 người dân địa phương đã nộp đơn khiếu nại công ty điện lực Kansai lên tòa án quận Osaka để ngăn chặn nhà máy này mở cửa trở lại.
Lò phản ứng cuối cùng trong số 4 lò của nhà máy trên đã đóng cửa để kiểm tra an toàn định kỳ hồi tháng 12. Các cuộc kiểm nghiệm ở tất cả các lò phản ứng đã hoàn tất và được phê duyệt hôm 9/2. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa cho phép nhà máy này được hoạt động trở lại.
Các cuộc biểu tình trên nằm trong loạt hoạt động nhằm kỷ niệm một năm thảm họa kép Nhật Bản. Hôm qua, lễ tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất và sóng thần diễn ra không chỉ ở nước Nhật mà còn nhiều nước khác như Pháp, Tây Ban Nha, Philippines... Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân và cảm ơn sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản vào tối 9/3.
Trận động đất 9 độ Richter năm ngoái đã gây ra một cơn sóng thần phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân kinh hoàng nhất kể từ năm 1986. Hoạt động của 52 trong số 54 nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản đã bị ngưng trệ và những người biểu tình yêu cầu chính phủ không được mở lại bất cứ nhà máy nào.
Hai lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động dự kiến sẽ đóng cửa để kiểm tra trước cuối tháng 4 này. Chính phủ Nhật Bản cho biết nếu hai lò này không trở lại hoạt động sớm thì tỷ lệ thiếu hụt điện sẽ lên đến 9,2% trong những tháng cao điểm mùa hè. Các nhóm môi trường đã phản đối quyết định này của chính phủ và cáo buộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp làm sai lệch các con số trên, bỏ qua những nguồn năng lượng tái tạo.
"Kể từ sau thảm họa, người dân đã nhận ra rằng họ hoàn toàn không thể kiểm soát cuộc sống của mình", Aileen Mioko Smith, giám đốc điều hành nhóm môi trường Green Action nói. "Họ nhận ra rằng niềm tin của họ vào công nghệ Nhật Bản và vào sự an toàn của năng lượng hạt nhân là không đúng. Sự cố này sẽ còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta nhiều năm tới", ông nói thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.