Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người nghèo cần được hỗ trợ

Thùy Ngân| 14/03/2011 06:43

(HNM) - Ngay sau khi giá bán lẻ điện, xăng dầu được điều chỉnh đã kéo một số mặt hàng thiết yếu tăng giá theo, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Sơn (lao động tự do đang thuê trọ ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân): Mua điện giá thấp, bán giá cao
Từ khi thuê nhà trọ, chúng tôi đã phải trả tiền điện giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kWh. Khi ngành điện mới đề xuất tăng giá bán, chủ nhà trọ đã thông báo sẽ thu thêm từ 3.000 - 3.500 đồng/kWh. Mức giá này cao gấp nhiều lần mức giá lũy tiến cuối cùng (1.974 đồng/kWh). Trước đây, chúng tôi không hề được hưởng mức giá ưu đãi của 50 kWh đầu tiên, nói gì đến hiện tại.

Sinh viên Nguyễn Minh Thu (Học viện Ngân hàng): Khó khăn đủ đường
Không chỉ tăng giá điện, chủ nhà trọ chỗ tôi thuê cho biết sẽ tăng cả tiền nhà. Giá cả các hàng hóa thiết yếu càng tăng, sinh viên chúng tôi càng lao đao bởi có được miễn giảm hay mua rẻ mặt hàng nào đâu. Việc tăng giá tiền thuê nhà để bù vào chi phí phát sinh như cách nói của chủ nhà khiến chúng tôi khó khăn đủ đường...

Bà Lê Thanh Huyền (Phú Diễn, Từ Liêm): Mỏi mắt chờ hỗ trợ
Lần tăng giá vào năm 2010, ngành điện có hướng dẫn về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với sinh viên và người lao động thuê nhà, thời hạn từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc ủy quyền cho đại diện người thuê nhà ký kết. Thế nhưng, khi trao đổi với chủ nhà thì họ bảo không biết chuyện đó (!). Hơn nữa, họ cũng chẳng muốn bảo lãnh thanh toán tiền điện cho người thuê trọ làm gì. Việc tăng giá điện năm 2011 có phương án sử dụng công tơ dùng thẻ trả trước cho người thuê trọ, song hiện còn chưa biết kế hoạch triển khai ra sao, mua ở đâu, giá thành bao nhiêu? Vướng nhất vẫn là ở chủ nhà, họ có đồng ý cho lắp đặt công tơ trả trước hay không thì không thể nói trước được.

Ông Nguyễn Hoàng Dương (khu tập thể Trường ĐH Thủy Lợi): Giảm chi phí tối đa
May mắn là gia đình tôi thuê được một căn hộ ở riêng biệt, được dùng điện, nước theo giá của người có hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, giá tiền thuê căn hộ riêng biệt thường cao hơn phòng trong khu nhà trọ rất nhiều. Chủ nhà cũng thường tăng giá nhà cao hơn từ vài trăm nghìn đến tiền triệu cho mỗi kỳ đóng tiền nhà tiếp theo. Việc tăng giá điện lần này cũng khiến gia đình tôi phải trả thêm tiền so với thỏa thuận trước đây. Để bù đắp cho khoản phát sinh này, vợ chồng tôi phải tận dụng mọi cơ hội kiếm việc làm thêm, đồng thời tính toán tiết kiệm chi tiêu...

Bà Trần Thu Thủy (chủ nhà trọ ở đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy): Cần có nhiều phương án hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng
Sau khi con cái lập gia đình và ở riêng, nhà tôi thừa mấy phòng nên cho sinh viên thuê để có thêm thu nhập. Tôi không thường xuyên tăng giá nhà, cũng không có chủ trương kinh doanh nên tiền điện, nước phải trả bao nhiêu thì thu của người ở trọ bấy nhiêu. Có điều, để không phải tính toán phức tạp, tôi thường thu tiền điện ở mức giá lũy tiến cuối cùng, làm tròn số cho dễ tính. Nếu có thừa ra chút ít thì để chi phí cho những lần sửa máy bơm, thay vòi nước, bóng đèn dùng chung... là những khoản mà người thuê trọ thường không muốn trả. Để bảo đảm việc hỗ trợ, ưu đãi sinh viên, người lao động thuê trọ được triển khai có hiệu quả cần nhiều phương án khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nghèo cần được hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.