(HNM) - Đã hai tháng trôi qua kể từ khi Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (ĐCTE) có hiệu lực nhưng người tiêu dùng vẫn khó tìm mua được đồ chơi có chứng nhận hợp quy (CR). Trong khi đó, nhiều người bán hàng không hề biết đến quy định nêu trên.
Tràn ngập hàng không rõ nguồn gốc
Ngày 15-6, có mặt tại một số điểm bán ĐCTE lớn của Hà Nội như các phố Lương Văn Can, Hàng Lược, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, dù là loại hàng không được phép tiêu thụ nhưng chỉ qua một vài câu hỏi thăm dò, chúng tôi dễ dàng mua được nhiều loại súng to, nhỏ, dài ngắn khác nhau, trong đó có loại bắn được đạn cao su. Đặc biệt, còn có một số loại bằng nhựa và cao su dẻo có hình dáng con thằn lằn, quả cầu gai hình HIV, con nhện... khi quăng vào đâu thì dính chặt vào đó. Tương tự là những chiếc máy bay, đu quay vừa eo éo nhạc vừa phun ra một loại bọt nhiều màu sắc làm từ hóa chất.
Các “thượng đế” băn khoăn mua loại đồ chơi nào thì bảo đảm. Ảnh: Trung Kiên |
Chiếm số lượng lớn các chủng loại ĐCTE là hàng không rõ nguồn gốc và chỉ được dán nhãn nước ngoài, không có hướng dẫn sử dụng, cảnh báo kèm theo bằng tiếng Việt. Khi đề cập đến vấn đề mua hàng có dấu CR, nhiều người bán kêu không có hoặc không biết gì về quy định nêu trên. Người bán hàng cũng cho biết thêm là nguồn hàng lúc nào cũng sẵn, chỉ cần gọi điện nhà cung cấp sẽ vận chuyển về tận nơi.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL), ĐCTE là mặt hàng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Cụ thể là nếu không làm từ vật liệu bảo đảm chất lượng, nó có thể gây hại cho trẻ trong khi chúng chơi qua việc thôi nhiễm hóa chất sơn, nhựa khi trẻ ngậm, cầm, nắm. Dựa theo các bộ quy chuẩn an toàn của châu Âu (EN 71), Mỹ (ASTMF963)... Tổng cục đã xây dựng bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn đối với ĐCTE, bao gồm nhiều quy định, trong đó quan trọng nhất là phần quy định kỹ thuật. Quy chuẩn đưa ra nhiều yêu cầu cần phải kiểm tra, kiểm nghiệm đối với ĐCTE như: Yêu cầu về cơ lý, yêu cầu về chống cháy, yêu cầu về giới hạn mức xâm nhập của các nguyên tố độc hại, yêu cầu về an toàn với chất hữu cơ độc hại, yêu cầu đối với đồ chơi dùng điện, yêu cầu về ghi nhãn... Sau khi đạt những yêu cầu kể trên, ĐCTE mới được coi là an toàn và được cấp dấu chứng nhận hợp quy CR.
Ráo riết kiểm định chất lượng
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL (Bộ KHCN) cho biết, từ ngày 15-4-2010, 4 đơn vị gồm: Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1, 2, 3 và Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) đã nhận nhiệm vụ chứng nhận CR cho ĐCTE, kể cả hàng nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường. Công việc này đang được tiến hành khẩn trương.
Thống kê của Tổng cục TCĐLCL tính đến ngày 9-6-2010 cho thấy, tại khu vực miền Nam, Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 đã chứng nhận hợp quy và hướng dẫn gắn dấu CR cho khoảng hơn 3 triệu đơn vị sản phẩm ĐCTE nhập khẩu thuộc 39 lô hàng của 24 doanh nghiệp. Tại khu vực miền Trung và miền Bắc, Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1 và QUACERT đã chứng nhận hợp quy và hướng dẫn gắn dấu CR cho khoảng hơn 2 triệu đơn vị sản phẩm ĐCTE của 14 doanh nghiệp nhập khẩu. Các loại ĐCTE nhập khẩu chủ yếu là xe ô tô chạy bằng ắc quy, xe mô tô, xe mô hình điều khiển, đồ chơi bằng nhựa, bong bóng các loại, xe tập đi, xe đẩy, xe ván trượt, đồ chơi xếp hình, thú nhồi bông, đồ chơi máy tính... chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản. Hiện mới có 2 đơn vị trong nước, gồm: doanh nghiệp tư nhân Nhựa Chợ Lớn và doanh nghiệp tư nhân Hân Hân (đều ở TP Hồ Chí Minh) được chứng nhận CR và dán tem hợp quy cho các sản phẩm xe đạp, xe tập đi, xích đu, búp bê... Các sản phẩm ĐCTE được gắn dấu CR chủ yếu bày bán tại một số siêu thị lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Trần Văn Vinh cho biết thêm: Dấu hợp quy chỉ là dấu hiệu nhận biết hàng hóa đã thực hiện chứng nhận hợp quy và không có ý nghĩa như tem nhập khẩu. Nếu thiếu bằng chứng chứng nhận và công bố hợp quy thì hàng hóa đó được gọi là giả chứng nhận hợp quy hay gọi cách khác là hàng giả. Dấu hợp quy CR được gắn trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm hàng hóa. Người tiêu dùng ngoài việc nhìn thấy dấu hợp quy, còn có thể yêu cầu người kinh doanh ĐCTE cho xem bằng chứng về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Phạm Trung Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Hà Nội cho biết: Theo chỉ đạo từ Tổng cục TCĐLCL, chi cục đang thống kê số ĐCTE đang lưu thông trên thị trường chưa được gắn dấu hợp quy để thực hiện chuyển đổi. Tuy chưa có thống kê cụ thể từ phòng chuyên môn nhưng số lượng đơn vị đến đăng ký đã khá đông.
Được biết, từ ngày 15-9-2010, chi cục TCĐLCL các địa phương sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh ĐCTE không dán tem hợp quy CR. Tuy nhiên, nếu việc nhập lậu ĐCTE chưa được ngăn chặn và người tiêu dùng thờ ơ với loại đồ chơi bảo đảm chất lượng thì đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất không ai khác lại chính là con em chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.