Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người mang tri thức cho trẻ khiếm thị

Tuấn Phạm| 26/05/2011 06:57

(HNM) - Thương cảm với những học sinh khiếm thị thông minh, ham học, cô Lê Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho ra đời


Năm 1982, sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội, cô giáo Hương đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi chọn ngôi trường còn rất nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất và chất lượng của học sinh. Không chút đắn đo, cô quyết định gắn bó với ngôi trường mang tên nhà văn hóa, chí sĩ Nguyễn Văn Tố này. Tại đây, đến năm 1994, có một vài học sinh khiếm thị đến xin học, vì học trường Nguyễn Đình Chiểu các em phải học cả ngày, trong khi đa số đều đã lớn tuổi, phải vừa học, vừa làm để kiếm sống. Cảm động trước tinh thần hiếu học của học sinh khiếm thị, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định nhận họ vào học. Đến năm 1997, nhà trường được thành lập Hội đồng thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khiếm thị và đó cũng là năm cô giáo Hương chuyển sang dạy học sinh khiếm thị.

Khi bắt đầu phụ trách dạy toán cho học sinh khiếm thị, cô giáo Hương gặp rất nhiều khó khăn. Với các môn xã hội, học sinh không nhìn thấy nhưng còn nghe được và dễ tưởng tượng hơn. Còn với môn toán, hình học và các môn tự nhiên, dù đã cố giải thích, rồi nhập vai "người mù" để giảng cho các em, nhưng cũng không ăn thua gì. Hết buổi giảng, "chữ thầy lại trả thầy". Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô giáo Hương đã quyết định xây dựng một bộ dụng cụ học toán các lớp 10, 11 và 12. Đó là những hình sin, cos, parapol, các hình lượng giác, hình học không gian… cơ bản về toán học có trong chương trình THPT. Lúc đầu, cô giáo Hương dùng dây đàn, dây đay uốn hình rồi dùng hồ dính vào các tấm bìa cứng. Sau này để bền hơn, cô dùng băng dính hai mặt để tết thành sợi, rồi uốn theo các hình, đồ thị mà mình cần, dán lên bìa cứng và ép plastic. Với những học sinh có độ nhạy bàn tay cao hơn, cô giáo Hương vẽ hình lên máy tính, in âm bản, rồi châm kim theo hình vẽ và dùng bằng các kí hiệu, ngôn ngữ của chữ Braille. Với cách này, học sinh có thể vừa "sờ" được hình nổi và hình chìm, vừa học được môn toán, vừa luyện được cảm giác, nhờ đó mà các giờ học toán vốn khô khan đã trở thành giờ học hứng thú đối với học sinh.

Cô giáo Hương còn cùng các đồng nghiệp làm dụng cụ cho môn lý, hóa học. Với sáng kiến của mình, cô đã đoạt giải nhất trong cuộc thi "Sáng tạo đồ dùng dạy học" của Bộ GD-ĐT, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học sinh khiếm thị. Số học sinh tăng dần, từ 6 học sinh ban đầu dần tăng lên 10, rồi 20 và nay có tới 65 học sinh khiếm thị đang theo học tại trường. Đặc biệt, cô rất tự hào về nghị lực của hai "hiệp sĩ" công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hà và Khúc Hải Vân, sau khi tốt nghiệp đại học đã thành lập Trung tâm Tia Sáng, chuyên đào tạo công nghệ thông tin cho các học sinh khiếm thị và xây dựng phần mềm, giáo trình học vi tính cho những người khiếm thị…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người mang tri thức cho trẻ khiếm thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.