Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người mang ''đổi mới'' cho khóa Việt - Tiệp

Thanh Hiền| 08/09/2020 07:06

(HNM) - Nhiều năm trước, nhắc đến khóa Việt - Tiệp, người tiêu dùng nghĩ ngay đến sản phẩm khóa dây xe đạp, khóa treo bấm đơn giản… Có thời điểm sản phẩm làm ra phải “đắp chiếu” vì không tiêu thụ được, nhiều lao động phải thay nhau nghỉ việc, đời sống vô cùng khó khăn.

Mỗi năm, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp dành khoảng 35-40 tỷ đồng đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu.

Trong bối cảnh đó, Xí nghiệp Khóa Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Khóa Việt  - Tiệp) quyết định phải đổi mới sản phẩm, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2011, đề xuất chủ trương đổi mới khoa học công nghệ, mở rộng thị trường của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của Hội đồng quản trị, trở thành bước đột phá đưa thương hiệu khóa Việt - Tiệp lên tầm cao mới.

“Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hoạt động hiệu quả ở tất cả các khâu. Đặc biệt, trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không thích ứng nhanh, kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghiệp hiện đại để tối ưu hóa sản xuất thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu và khó có thể tồn tại”, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ. Chính vì vậy, công ty đã có những bước thay đổi lớn trong đầu tư khoa học công nghệ theo hướng tích hợp tự động hóa cao, quản lý ngày một chuyên nghiệp. Mỗi năm, khóa Việt - Tiệp dành khoảng 35-40 tỷ đồng đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu...

Cùng với đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cùng ban lãnh đạo công ty đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ nhằm nâng cao năng lực, trình độ quản trị kinh doanh, quản lý điều hành sản xuất, nắm vững quy trình công nghệ, sử dụng hiệu quả hệ thống máy, thiết bị tự động hóa. Đồng thời, ưu tiên phát triển sản phẩm mới, chú trọng thiết kế, chế tạo để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế các sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhờ vậy các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cũng có sự tăng trưởng nhảy vọt, giúp công ty đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

10 năm trên cương vị Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Văn Tuấn cùng ban lãnh đạo đã đưa Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp vượt qua nhiều thử thách, trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất khóa, dụng cụ kim khí lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Nếu như năm 2011, giá trị sản xuất của đơn vị đạt trên 401 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng, thì đến năm 2019, giá trị sản xuất tăng gấp đôi (đạt trên 878 tỷ đồng), thu nhập bình quân người lao động đạt 7,8 triệu đồng. Hiện, công ty đang từng bước mở rộng thị trường sang các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Nga...

Với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn đã được các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội trao tặng nhiều danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2014-2016; người có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của thành phố…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người mang ''đổi mới'' cho khóa Việt - Tiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.