Bố ơi, "Trên lông, dưới lông, tối chồng làm một" là gì ạ?
- Hư nào. Ai cho con học những câu ấy.
- Bố không trả lời được thì chịu thua đi sao lại mắng con. Đó là câu đố vui dân gian mà. Con thấy đúng là người lớn rất giàu trí tưởng tượng đấy bố ạ.
- Ý con là sao?
- Thì đấy. Ở lớp chúng con học về truyện Tấm Cám có phần kết của nó không giống như trong truyện cổ tích trước đây bà vẫn kể.
- Làm gì có chuyện như thế. Truyện cổ tích đã đúc kết, gọt giũa từ ngàn năm nay, có dị bản thì cũng không thể khác được. Truyện cổ tích thể hiện những hành động và nhân vật cổ tích "ngày xửa ngày xưa" rất hợp lý mà. Vì thế mở đầu truyện thường có câu "Ngày xửa, ngày xưa…". Người nghe cũng vì thế mà đặt tâm thế phù hợp để bước vào thế giới cổ tích có khi phi thực tế nhưng đầy hấp dẫn.
- Thầy giáo con giải thích đoạn kết truyện Tấm Cám bạo lực quá nên sửa đi cho học sinh đỡ bắt chước.
- Thế hệ bố cũng đều học truyện đó cả, tại sao không ai thấy bạo lực, không ai bắt chước? Cốt truyện ấy chủ yếu dân gian muốn gửi gắm vào đạo lý "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" thôi mà. Phải hiểu như thế chứ.
- Con cũng nghĩ vậy. Nhưng tại vì càng lúc người lớn càng hiểu sai về ý nghĩa câu chuyện đó thôi, chứ không phải tại chúng con. Đó là cố ý hiểu sai chứ có phải là hiểu thế đâu.
- Con hiểu thế là đúng đấy. Quan trọng là do người truyền đạt mà thôi. Nếu sửa Tấm Cám, rồi còn các truyện khác thì sao...
- Ơ, nhưng mà bố có giải được câu đố của con không? Nó đơn giản chỉ là con mắt của ta mà.
- Uhm. Tại bố cũng giàu trí tưởng tượng quá nên không nghĩ đến lời giải lại đơn giản vậy...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.