Lâu nay, mỗi khi Tết đến xuân về cũng là lúc tệ nạn cờ bạc bung ra khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ trong nhà ra ngõ, trong các lễ hội. Trong đó các chiếu bạc tại gia lâu nay ít được đề cập tới.
Dịp Tết Nguyên đán, ngay cả các gia đình vốn rất nghiêm khắc về chuyện cờ bạc cũng thả lỏng cho con cái chơi bạc. Theo họ giải thích, những ngày này trong năm được xem là "ngoại lệ", chơi cho vui, giải trí. Thậm chí, ngay chính các bậc phụ huynh, khách đến chúc Tết cũng "nhập hội". Mức độ sát phạt ở các chiếu bạc gia đình thường không lớn, mỗi ván chơi chỉ dăm mười nghìn đến vài ba chục nghìn (tùy theo hình thức chơi).
Ngày Tết, không chỉ con trẻ, người lớn, mà ngay các cụ già cũng rất khoái tổ tôm, chắn cạ, tam cúc. Ngày thường, các cụ mải lo giúp đỡ việc nhà cho con cháu, nhưng mấy ngày Tết thì chơi thả cửa, thậm chí đánh thâu đêm. Ở các gia đình thiếu người, không đủ "chiếu", các thành viên tìm đến một gia đình hàng xóm nào đó để kiếm "chân". Có người đi chúc Tết thấy gia chủ đang có hội bạc vui vui liền "ngồi đồng luôn". Ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, thuộc huyện Đông Anh quê tôi, trong mấy ngày Tết hầu như nhà nào cũng "phá lệ" hội họp cờ bạc. Già chơi với già, trẻ tìm bạn trẻ. Có gia đình hai bố, mẹ "đánh" với hai đứa con cho "tròn chiếu". Trẻ nhỏ được tiền mừng tuổi cũng tổ chức chơi cờ bạc.
Từ lâu, cờ bạc dù với bất cứ hình thức nào luôn bị coi là tệ nạn xã hội. Cho nên, dù những ngày Tết vui vẻ cũng không nên phá bỏ ngoại lệ để tổ chức các chiếu bạc gia đình. Sự nguy hiểm của những ngày Tết "phá lệ" ấy sẽ gieo vào con trẻ máu cờ bạc. Đồng thời, người lớn mà còn sát phạt nhau thì sẽ khó dạy bảo con cháu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.