Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lớn bất cẩn, con trẻ thiệt thòi

Trúc Linh| 23/05/2011 06:59

(HNM) - Sáu năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.300 người ở độ tuổi từ 0 đến 19 tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Số trẻ bị TNTT năm sau thường cao hơn năm trước.

Theo thống kê, trẻ tử vong vì đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất, 50% (trung bình mỗi ngày có hơn 20 trường hợp), tiếp đến là TN giao thông (24%), sau đến do bỏng, ngã. Nguyên nhân chủ yếu là cha mẹ, người chăm sóc trẻ bất cẩn; môi trường xã hội còn tiềm ẩn rủi ro nhưng chưa có biện pháp can thiệp...

1/3 số trẻ bị tai nạn đã tử vong

Kết quả nghiên cứu trên hơn 17.800 trẻ em dưới 18 tuổi tại 6 tỉnh, thành phố (Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp) của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) về phòng, chống TNTT cho thấy, tỷ suất chấn thương chung không gây tử vong là 4.360/100.000 với nguyên nhân thường gặp là ngã, bị vật sắc nhọn đâm vào, bỏng và chấn thương do giao thông. Tỷ suất chấn thương gây tử vong là 31,2/100.000 (hơn 30% trẻ bị TNTT dẫn đến tử vong) từ 3 nguyên nhân chính: đuối nước, ngã và chấn thương do giao thông. Khi trẻ bị TNTT, mới có 57% số trường hợp được sơ cấp cứu ban đầu, sau đó khoảng 70% trường hợp được điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã.

Để giảm tai nạn thương tích ở trẻ em, gia đình cần có kiến thức về an toàn và dành thời gian quan tâm, chăm sóc trẻ. Ảnh: Bảo Lâm

Các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trẻ bị TNTT tăng cao đã được chỉ ra, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế và xã hội học, nguyên nhân gốc của thực trạng này là do kiến thức về an toàn nói chung ở các gia đình vẫn thấp, ý thức chấp hành luật pháp cùng những quy định về an toàn chưa nghiêm. Trong khi nhận thức của trẻ em chưa đầy đủ thì thời gian người lớn dành để quan tâm, chăm sóc cho trẻ lại ít; công tác truyền thông, giáo dục chưa đủ mạnh để có thể chuyển đổi hành vi ứng xử trong cộng đồng. Rõ ràng, ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em đều có "vấn đề" nên không giảm được nguy cơ gây ra TNTT.

Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống TNTT giai đoạn 2002-2010 nhưng trên thực tế, một số địa phương triển khai chưa thường xuyên, hiệu quả... TNTT trẻ em đang là vấn đề mang tính toàn cầu (mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do TNTT) là nhận định được đưa ra tại Hội thảo xây dựng chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011-2015 vừa được tổ chức. Một chương trình phòng, chống TNTT riêng cho trẻ em với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ; giảm thiểu ít nhất mỗi năm khoảng 10% số trẻ em bị TNTT; trang bị kỹ năng, kiến thức sơ, cấp cứu ban đầu để giảm thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho gia đình và xã hội là những mục tiêu được đặt ra sau hội thảo này.

Phòng tránh ngay tại nhà

Mặc dù các cấp, ngành đang nỗ lực cho hoạt động phòng, chống TNTT nhưng để hạn chế tỷ lệ TNTT ở trẻ, gia đình phải là nơi phòng, chống tích cực nhất. Kỳ nghỉ hè sắp đến. Đây là thời gian ghi nhận nhiều trường hợp trẻ TNTT nhất trong năm, nên các bác sỹ khuyến nghị người lớn hãy tự bảo vệ các em bằng chính sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ bảo hằng ngày.

Đề phòng bị đuối nước, các bậc phụ huynh cần nghiêm cấm trẻ bơi ở sông, hồ, biển khi không có người lớn đi kèm; che đậy cẩn thận các nắp bể, giếng. Muốn phòng tránh tai nạn giao thông, thì phải dạy trẻ không đi bộ, đùa nghịch, đá bóng, đá cầu dưới lòng đường; không đi xe đạp hàng ba, đu bám tàu xe; thận trọng khi lên, xuống xe máy và quan sát trước sau. Muốn phòng tránh hóc, tắc nghẹn đường thở thì phải cho trẻ ăn thức ăn đã được nghiền nhuyễn, không lẫn xương, lẫn hạt. Để ngoài tầm với của trẻ các vật dễ nuốt như đồng xu, kim băng, cúc áo, hạt trái cây… Lúc ăn cơm, ăn bột không để trẻ ngả đầu về phía sau và không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa. Khi bị nạn, nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ bằng cách cho trẻ cúi hoặc nằm sấp trên đùi, đầu thấp hơn cơ thể rồi vỗ nhiều lần vào lưng giữa hai vai để dị vật bật ra. Nếu trẻ bất tỉnh thì phải hà hơi thổi ngạt sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nên để ổ điện ngoài tầm với của trẻ. Dùng ổ cắm điện có nắp đậy hoặc lấy băng dính dán kín những ổ cắm điện ít dùng đến. Mọi người phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đề phòng bị hở. Không để trẻ leo lên cột điện hoặc thả diều gần đường dây điện. Hướng dẫn trẻ không trú, nấp dưới gốc cây to khi trời mưa để phòng sét đánh. Nếu bị điện giật, phải bằng mọi cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện...

Một TNTT thường gặp ở trẻ em thành phố là bỏng. Để hạn chế tình trạng này, mọi người chú ý làm cửa chắn quanh khu vực nấu ăn. Để xa tầm với của trẻ thức ăn, đồ uống mới nấu như nồi canh, nước sôi, phích nước nóng… Không cho trẻ nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, ga, bật lửa, xăng dầu. Khi trẻ bị bỏng, ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát trong vòng 20-30 phút rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu bị nặng. Không được bôi nước mắm, kem đánh răng, hoặc bất cứ loại nước mỡ nào khác vì nó có thể gây nhiễm trùng, hoại tử da nặng dễ dẫn tới tử vong.

Mỗi năm nước ta có từ 20.000 đến 25.000 trường hợp bị TN bỏng. Riêng Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận khoảng 3.000 ca, trong đó số trẻ em bị bỏng chiếm tới 50% tổng số người điều trị bỏng tại Viện. Trẻ từ 1 đến 5 tuổi bị bỏng nhiều nhất và trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Tại BV Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cứ 5 bệnh nhi nhập viện do TN thì có 1 bệnh nhi là TN bỏng. Hằng năm, số lượng bệnh nhi nhập viện hầu như không thuyên giảm mà ngày càng có nhiều trường hợp bỏng nặng tử vong.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lớn bất cẩn, con trẻ thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.