(HNM) - Ông Trần Bằng, người nuôi ba ba nổi tiếng nhất huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã có 22 năm gắn bó với Binh đoàn 12 (Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn) ở những chiến trường ác liệt nhất.
Đầu những năm 1990 rời quân ngũ trở về quê hương (thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) với quân hàm Thiếu tá, ông đã không khỏi chạnh lòng khi nhìn cảnh bố mẹ, vợ và các con sống vất vả với mấy sào lúa vùng đồng trũng. Quê ông ven sông Hồng đất pha cát, trồng thứ gì năng suất cũng kém, dân nghèo lắm. Thế là tạm gác cái chất "nghệ thuật" được đong đầy trong quân ngũ với cả trăm bức biếm họa đã đăng trên rất nhiều báo, tạp chí ông bắt tay vào làm kinh tế với hy vọng thoát nghèo. Biết ông Bằng từng làm lính xây dựng Trường Sơn, nên UBND xã giao cho ông làm một số công trình giao thông... Song một lần tiếp đối tác, ông Bằng "phát hiện" ra giá trị kinh tế rất cao từ con ba ba, dù phải đầu tư công phu hồ nuôi, giống, thức ăn nhưng 1-2 năm sau, lãi đã gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần. Đối với người nông dân, đây là nguồn đầu tư hiệu quả, chi phí thấp, tính rủi ro không cao. Ông Bằng quyết định mua 100 con ba ba thương phẩm, cần 80 triệu đồng, lứa đầu vốn đọng lại 2-3 năm... Vẫn cái chất của người lính Trường Sơn, nói là làm, ông vay tiền, thuê nhân công nạo vét ao cá của nhà rộng 200m2, đầu tư nuôi ba ba, thấy hiệu quả... từ vài trăm mét vuông ao nuôi ba ba, ông nhân rộng ra cả nghìn mét vuông.
Năm 2002, khi HTX có chủ trương khuyến khích các gia đình tham gia đấu thầu, nhận khoán các diện tích ao đầm ven làng gieo cấy khó khăn, gia đình ông Bằng đã mạnh dạn nhận thầu diện tích 1,5 mẫu (tương đương với 5.400m2). Thời điểm đó, gia đình có 70 triệu đồng, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng 400 triệu đồng nữa để đầu tư mở rộng quy mô nuôi ba ba thương phẩm. Đặc biệt, ông còn mạnh dạn nuôi ba ba gai.
Ông Bằng bộc bạch: "Mỗi năm gia đình thu hoạch 2 lứa ba ba thương phẩm. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tổng doanh thu từ nuôi ba ba đạt khoảng 4 tỷ đồng". Nuôi ba ba không quá khó, nhưng phải đúng kỹ thuật, phải hiểu được tính nết, lối sống của con vật mình nuôi. Giờ kinh tế gia đình khá giả, không chỉ làm giàu đơn thuần từ con ba ba ông Bằng còn ấp ủ dự án khôi phục lại giống ba ba hoa sông Hồng đang bị thoái hóa cũng như tập trung sản xuất các loại giống ba ba chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Ông Bằng vui vẻ tâm sự "Tôi luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người đến học hỏi kinh nghiệm, tôi sẽ tận tâm hướng dẫn bà con cách chăm nuôi ba ba để có nhiều nông dân giàu có".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.