Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động tiến gần... mức sống tối thiểu

Linh Chi - Hiền Phương| 04/09/2015 05:58

(HNM) - Ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức phiên họp cuối cùng để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.



Sau 4 tiếng làm việc khá căng thẳng, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu với tỷ lệ 92,8% đồng thuận mức đề xuất tăng 12,4% lương tối thiểu vùng năm 2016, tức là tăng khoảng 250.000, 300.000, 350.000 và 400.000 đồng so với năm 2015 cho 4 vùng. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân cho biết, đây là lần đầu tiên trong 3 năm hoạt động, Hội đồng có mức đồng thuận cao như vậy.

Đầu phiên họp, giống như hai phiên họp trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vẫn bảo vệ quan điểm của mình khi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng lệch nhau khá nhiều, cụ thể Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 16,8% và VCCI là 10%. Cho rằng, doanh nghiệp phải tồn tại được thì mới lo được cho người lao động (NLĐ), Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nói: "Qua khảo sát thực tế, hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Họ đồng ý về chủ trương tăng lương, nhưng cần phải có lộ trình".

Người lao động tại rất nhiều doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với gánh nặng chi tiêu. Ảnh: Bá Hoạt


Trong khi đó, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam lại phản ánh, khoảng 92% NLĐ có mức thu nhập do doanh nghiệp chi trả từ 2,5-4 triệu đồng/tháng. Do vậy, NLĐ sống rất vất vả, không có tích lũy. Trong khi đó, trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp trả lương cho NLĐ cao hơn so với mức lương tối thiểu, từ 4,4 đến 6 triệu đồng hoặc cao hơn. Như vậy, mức đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là hợp lý, doanh nghiệp có thể chấp nhận được và giúp NLĐ được chi trả mức lương tiến gần hơn với mức sống tối thiểu.

Sau một thời gian phân tích, thương lượng giữa hai bên, cuối cùng Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Cụ thể, vùng I: 3.500.000 đồng, tăng 400.000 đồng; vùng II: 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng; vùng III: 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng; vùng IV: 2.400.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2015. Mức tăng này đã chứng tỏ nỗ lực lớn của hai bên khi cùng đi tới đồng thuận giúp doanh nghiệp phát triển và bảo đảm đời sống NLĐ.

Bày tỏ quan điểm trước mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng: Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong thời gian tới. Doanh nghiệp phải nỗ lực vượt bậc, tăng cường khả năng hội nhập, bằng nhiều biện pháp như tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới khoa học, công nghệ, tiết kiệm chi phí... để có năng suất lao động cao hơn, nhằm đáp ứng khả năng chi trả. Dù chưa thực sự hài lòng, nhưng Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, vẫn chấp nhận được. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi nghĩ NLĐ cũng sẽ chia sẻ với doanh nghiệp ở mức tăng này, nếu thấp hơn rất khó giải thích cho NLĐ". Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã trả lương cho NLĐ cao hơn gấp rưỡi mức lương tối thiểu như ở Hà Nội, Bình Dương... Mức lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng đến việc đóng BHXH của doanh nghiệp nên tác động đến doanh nghiệp không nhiều…

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân cho rằng, hai bên đều có lý do chính đáng; sau khi thương lượng, mức tăng 12,4% là hài hòa cả hai bên trong bối cảnh hiện nay. Mong muốn của Tổng Liên đoàn là bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, phía VCCI thì cho rằng doanh nghiệp khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều tới chi phí. Ngoài mức lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ phải tăng mức đóng BHXH theo thu nhập thực tế của NLĐ. Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới, cố gắng nhiều hơn. Như vậy, gánh nặng đặt lên vai người sử dụng lao động. Doanh nghiệp phải tổ chức lao động hợp lý, tiết kiệm chi phí, tìm thêm hợp đồng, có thêm nguồn bảo đảm chi phí cho NLĐ. Đây là lộ trình 3 năm bảo đảm thu nhập tối thiểu của NLĐ tăng lên, tiến tới đáp ứng mức sống tối thiểu và bảo đảm thu nhập cho NLĐ khi về hưu.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính: Mức tăng trên cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 89% mức sống tối thiểu. Năm 2017, khi điều chỉnh lần nữa thì có thể đạt mức sống tối thiểu. Hiện, NLĐ không cần ưu đãi, chỉ cần các bên tuân thủ đúng Điều 91 Luật Lao động, đừng kéo dài lộ trình khi thực tế điều này phải được thực hiện từ ngày 1-1-2013. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp có khó khăn thì Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi, doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao hiệu quả quản trị, giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính. NLĐ là vốn quý của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chăm lo, đầu tư, chứ cứ để họ với mối lo sao cho đủ sống, vật vã với tăng ca thì làm sao nâng cao năng suất và có thể sáng tạo được.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang: Mức tăng 12,4% là một trong những áp lực lớn của ngành Dệt may Việt Nam. Theo tính toán của chúng tôi, nếu tăng 12,4%, toàn ngành Dệt may sẽ tăng về chi phí 2% Công đoàn là 450 tỷ đồng, tăng về mức đóng BHXH khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Vì đời sống NLĐ, chúng tôi sẽ tìm giải pháp, chiến lược, nâng cao tay nghề NLĐ, tăng năng suất, đào tạo nguồn lực để giải quyết căn bản bài toán tăng chi phí.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đỗ Hoài Nam: Phiên họp lần thứ 3 đạt kết quả đồng thuận cao nhất kể từ khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp đến nay. Đưa ra mức tăng 12,4% tức là Hội đồng Tiền lương quốc gia đã xét đến cả yếu tố lâu dài để vừa bảo đảm cho đời sống của NLĐ vừa duy trì hoạt động của doanh nghiệp, kể cả phương án chuyển dịch lao động để giảm bớt lao động ở vùng 1 chuyển sang vùng 3, vùng 2.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động tiến gần... mức sống tối thiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.