Ngày 29/9, một loạt cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ của người lao động đã diễn ra tại nhiều nước châu Âu, nhằm phản đối những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công.
Ngày 29/9, một loạt cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ của người lao động đã diễn ra tại nhiều nước châu Âu, nhằm phản đối những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công.
Biểu tình tại Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters).
Cuộc biểu tình quy mô lớn nhất diễn ra ở thành phố Brussels của Bỉ, nơi được xem là thủ đô châu Âu.
Hầu hết các phương tiện công cộng ở thành phố Brussels đều ngừng hoạt động từ sáng sớm 29/9. Cuộc biểu tình do Liên đoàn các nghiệp đoàn châu Âu (CSE) tổ chức, đã thu hút khoảng 100.000 người tuần hành qua hầu hết các khu phố chính ở Brussels, bắt đầu từ nhà ga Midi và kết thúc tại công viên Cinquantenaire ngay sát trụ sở của các thể chế EU.
Một phái đoàn đại diện cho các nghiệp đoàn châu Âu đã có cuộc gặp gỡ chính thức với Thủ tướng Bỉ Yves Leterme và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José-Manuel Barroso để đưa các kiến nghị phản đối những biện pháp kinh tế khắc khổ như cắt giảm ngân sách, tăng thuế, giảm lương hưu... được chính phủ nhiều nước châu Âu áp dụng.
Theo Tổng Thư ký CSE John Monks, người biểu tình đổ xuống đường ngày hôm nay mang theo một thông điệp rõ ràng gửi tới các nhà lãnh đạo châu Âu là vẫn còn thời gian để không phải chọn lựa biện pháp "thắt lưng buộc bụng," vẫn còn thời gian để thay đổi cách lãnh đạo.
Để đối phó với cuộc biểu tình rầm rộ được coi là lớn nhất ở Brussels trong gần 1 thập kỷ qua, cảnh sát Bỉ đã phải huy động tối đa các lực lượng khác nhau để ngăn chặn sự quá kích của người tham gia biểu tình.
Theo phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát vùng Brussels, Christian De Coninck, nhà chức trách đã huy động trên 2.000 cảnh sát, đồng thời cảnh sát Hà Lan cũng có mặt để sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát đã phối hợp với các nhà tổ chức tiến hành 148 vụ bắt giữ ngăn chặn trước khi cuộc biểu tình diễn ra.
Không chỉ tại Brussels, trên khắp châu Âu cũng diễn ra các cuộc biểu tình tương tự để đáp lại lời kêu gọi của CES.
Các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại thủ đô Warsaw (Ba Lan), nhiều thành phố ở Tây Ban Nha, Ireland, Hy Lạp, Hà Lan, Italy, Serbia..., khiến hoạt động giao thông công cộng bị đình trệ, nhiều chuyến bay bị hoãn...
Hàng nghìn người tham gia biểu tình đã làm náo loạn đường phố Warsaw với tiếng kèn, trống và khẩu hiệu “nói không với cắt giảm, nói có với sự phát triển.”
Đại diện các tổ chức nghiệp đoàn đã yêu cầu đảm bảo việc làm và tăng mức lương tối thiểu, phản đối việc "đóng băng" lương ở khu vực công và phản đối việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) do chính phủ đệ trình trong dự án ngân sách 2011.
Còn tại Tây Ban Nha, những người biểu tình đã đốt lửa để chặn một đường cao tốc tại Vigo. Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát tại thủ đô Madrid, làm 20 người bị thương. Khoảng 30 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế có tác động toàn cầu đã khiến 23 triệu người châu Âu bị mất việc làm./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.