Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động sẽ được hưởng 2 quyền lợi khi bị tai nạn lao động

Hà - Ánh| 17/05/2022 10:45

(HNMO) - Ngày 17-5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động”.

Các khách mời tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tại đối thoại, vấn đề chế độ, chính sách có tầm ảnh hưởng quan trọng trong quan hệ lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, hợp đồng lao động… được người lao động quận Hai Bà Trưng đặc biệt quan tâm.

Liên quan đến chế độ đối với công nhân bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) thông tin, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, có 3 trường hợp được xác định là tai nạn lao động, gồm: Tai nạn xảy ra tại nơi làm việc, trong giờ làm việc; tai nạn xảy ra gắn liền với công việc như trong thời gian nghỉ giải lao, nghỉ giữa ca, trước giờ làm việc; tai nạn trên đường đi làm, từ nơi ở đến nơi làm việc và từ nơi làm việc đến nơi ở. 

Nếu bị tai nạn, kể cả tai nạn giao thông và các rủi ro khác đều được xác định là tai nạn lao động nhưng với quãng đường và thời gian hợp lý, vì vậy cần xác nhận của công an phường, cảnh sát giao thông. Khi đó, người lao động sẽ được hưởng 2 quyền lợi: Người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ chi phí y tế để điều trị, trả toàn bộ tiền lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc điều trị và có trách nhiệm giám định sức khỏe cho người lao động, căn cứ tỷ lệ mất sức lao động để bồi thường một khoản tiền; người lao động còn được trợ cấp tai nạn lao động, tùy vào mức độ tổn hại sức khỏe, nếu dưới 31% thì trợ cấp 1 lần, trên 31% thì chi trả hằng tháng.

Tuy nhiên, trường hợp người lao động đang nợ bảo hiểm xã hội thì các quyền lợi bảo hiểm xã hội chưa được thanh toán và chỉ được thanh toán khi người lao động đó được đóng bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội có chính sách linh hoạt là doanh nghiệp có thể tách, đóng riêng cho người lao động này để giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động mà thành phố Hà Nội đang triển khai, ông Tạ Văn Dưỡng cho hay, với trường hợp ký hợp đồng lao động trước ngày 1-4, thuê nhà từ tháng 2 đến tháng 6 và đang thuê nhà thì sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng; còn đối tượng ký hợp đồng lao động từ ngày 1-4 trở đi và thuê nhà ở thì sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, có điều kiện đi kèm là người lao động phải đang tham gia bảo hiểm. Thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 15-8 tới. Theo kế hoạch của thành phố, phải có xác nhận của chủ nhà trọ và đơn vị bảo hiểm sau đó nộp ra UBND quận, huyện, thị xã để xem xét giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động sẽ được hưởng 2 quyền lợi khi bị tai nạn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.