(HNMO) - Đến ngày 30-7, hơn 1,4 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã được tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Đón nhận nguồn lực này giữa thời điểm khó khăn, người lao động rất xúc động.
Niềm vui của những lao động tự do đầu tiên nhận tiền hỗ trợ
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, thì chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) khó thực hiện nhất. Lý do là vì họ hay thay đổi công việc, nơi làm việc, nên khó xác định chính xác tình trạng việc làm của họ để có sự hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng.
Để nguồn lực trợ giúp đến sớm với người lao động, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do với tinh thần chủ động, linh hoạt, thành lập các tổ rà soát đến cấp thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố, qua đó các địa phương bước đầu xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong đó, đến thời điểm này, quận Hà Đông là địa phương đầu tiên đã chi kinh phí từ gói hỗ trợ cho 17 lao động tự do (5 người thuộc phường Kiến Hưng, 15 người thuộc phường Dương Nội).
Đón nhận kinh phí hỗ trợ vào ngày 30-7, vợ chồng anh Trần Văn Lâm và chị Lê Thị Huyền, tổ dân phố 11 (phường Kiến Hưng) rưng rưng xúc động. Anh Lâm cho biết: "Vợ chồng chúng tôi cùng làm nghề tóc, nên dịp này cùng bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn. Biết đến chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do qua nhiều kênh thông tin, chúng tôi đã làm đơn đề nghị được hỗ trợ vào ngày 23-7 và đến ngày 29-7 thì có quyết định phê duyệt. Chúng tôi sẽ dùng số tiền được hỗ trợ 3 triệu đồng (mỗi người 1,5 triệu đồng) để trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt cấp thiết lúc này".
Cùng nhận số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng vào ngày 30-7, anh Hoàng Thế Anh, tổ dân phố 13 (phường Kiến Hưng) chia sẻ: “Tôi phải dừng công việc bán hàng ăn từ giữa tháng 5 đến nay do địa điểm tôi bán hàng nằm trong khu vực phong tỏa để phòng, chống dịch. Tôi đã đi tìm công việc khác để làm tạm, nhưng chưa tìm được. Vì thế, số tiền trợ giúp từ gói an sinh xã hội tuy không lớn, nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ để gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Chia sẻ kinh nghiệm đưa nguồn lực hỗ trợ đến với nhóm lao động tự do, bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông cho hay: “Chúng tôi ưu tiên chi trả trước cho các trường hợp bị ảnh hưởng sâu, kéo dài, đang gặp khó khăn. Với đối tượng này, quá trình xét duyệt hồ sơ được rút ngắn từ 8 ngày làm việc theo quy định chung, xuống còn 6 ngày. Với các đối tượng khó xác định hơn, chúng tôi tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai, cố gắng đưa nguồn lực hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”.
Về các chính sách hỗ trợ khác, đến thời điểm này, toàn thành phố có hơn 1,4 triệu người lao động đã được tiếp cận, thụ hưởng với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Trên thực tế, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị, địa phương cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh nêu, Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố quy định rõ số ngày bị ảnh hưởng của nhiều nhóm đối tượng để được hỗ trợ. Chẳng hạn, thời gian hỗ trợ tối đa với người lao động thuộc đối tượng F0, F1 là 21 ngày; hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên. Mốc thời gian bị ảnh hưởng bởi việc làm từ 15 ngày trở lên cũng là căn cứ để xác định đủ điều kiện hỗ trợ nhiều chính sách khác. Riêng với nhóm lao động tự do, điều kiện hỗ trợ là “Người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021”, mà không quy định rõ số ngày. Điều này khiến các địa phương khó xác định trường hợp nào đủ điều kiện hỗ trợ. Bởi trên thực tế, có những lao động tự do bị ảnh hưởng 14 ngày, cũng có những người bị ảnh hưởng liên tục từ đầu tháng 5-2021 đến nay, thậm chí lâu hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Thanh, Quyết định số 3642/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần với lao động tự do, nhưng không quy định tối đa số lần đối với một trường hợp bị ảnh hưởng. Vậy một người được hỗ trợ một lần hay nhiều lần, nếu nhiều lần thì cần thêm những tiêu chí gì?
Chia sẻ về các chính sách ưu tiên đối với phụ nữ mang thai và người nuôi con nhỏ, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho biết, trường hợp phụ nữ mang thai dễ dàng xác định, còn người nuôi con nhỏ lại khó xác định chính xác. Ví dụ, hai vợ chồng trong một gia đình có một con nhỏ, cả hai đều đủ điều kiện hỗ trợ, nhưng một người làm việc ở huyện Đông Anh, đề nghị hỗ trợ tại Đông Anh, còn một người làm việc tại quận Cầu Giấy, đề nghị hỗ trợ tại Cầu Giấy và đều kê khai nuôi con nhỏ. Vậy trường hợp trùng lặp này phải xác minh thế nào, cơ quan nào thực hiện?
Đồng tình với phản ánh nêu trên, ông Nguyễn An Đông, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể đối với một số chính sách còn vướng mắc, trong đó xác định rõ hơn các đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trong thời gian toàn thành phố giãn cách xã hội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc triển khai các chính sách lớn khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Những vướng mắc, phát sinh, đến cuối ngày 30-7, Sở đã tập hợp lại để tìm phương án tháo gỡ. Nội dung nào thuộc thẩm quyền, Sở sẽ trả lời ngay bằng nhiều hình thức, vấn đề nào cần xin ý kiến chỉ đạo, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc và báo cáo UBND thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, cho ý kiến. Trước mắt, các bên liên quan cần tiếp tục nỗ lực đưa chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đến với đối tượng thụ hưởng, chi trước cho các đối tượng hội đủ điều kiện được hỗ trợ...
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.