Ngày 5-7, PwC đã công bố kết quả khảo sát lực lượng lao động châu Á-Thái Bình Dương năm 2023. So với mặt bằng chung khu vực, người lao động tại Việt Nam đặc biệt quan tâm những giá trị mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang tới.
Khảo sát được PwC - một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới - thực hiện với gần 20.000 người lao động ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khoảng 1.000 phản hồi được ghi nhận tại Việt Nam.
Theo kết quả công bố, người lao động nước ta có tư duy rất tích cực về những cơ hội và lợi ích mà AI có thể mang lại cho sự nghiệp. Có 60% cho rằng, AI sẽ giúp họ gia tăng năng suất, hiệu quả trong công việc (cao hơn mức 41% của châu Á-Thái Bình Dương), có 58% xem đó là cơ hội để học các kỹ năng mới (châu Á-Thái Bình Dương: 34%).
Đáng chú ý, người lao động cho rằng, các ngành như công nghệ, truyền thông, viễn thông và dịch vụ tài chính thể hiện tiềm năng lớn nhất để cải thiện năng suất thông qua AI. Ngược lại, người lao động trong lĩnh vực y tế và khu vực công cho rằng, AI sẽ không thể thay thế được vai trò của họ.
Có 68% người lao động tại Việt Nam được khảo sát phản hồi rằng, họ sẽ tích cực lắng nghe nhận xét và điều chỉnh để cải thiện hiệu suất làm việc (so với số liệu tại châu Á-Thái Bình Dương là 53%). Những nhân viên lớn tuổi ít có xu hướng tham gia trao đổi và nhận xét so với thế hệ trẻ hơn. Các quản lý cấp cao có xu hướng tìm kiếm và đưa ra nhận xét nhiều hơn so với những người không phải là quản lý.
Bên cạnh đó, có 61% người lao động Việt Nam được hỏi tin rằng các kỹ năng cho công việc của họ sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới và 59% tin rằng tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ cho họ các cơ hội để vận dụng các kỹ năng cần thiết nhất cho sự nghiệp trong 5 năm tới. Người lao động cho rằng, các kỹ năng về con người quan trọng hơn các kỹ năng chuyên môn hoặc kinh doanh, bao gồm khả năng thích ứng, linh hoạt (70%), kỹ năng hợp tác (70%), tư duy phản biện (68%) và kỹ năng phân tích dữ liệu (66%).
PwC cho rằng, khi lực lượng lao động tiếp tục phát triển và mong muốn thay đổi như vậy, những phương pháp lãnh đạo đổi mới sẽ là cần thiết.
Theo đó, một số giải pháp giúp người sử dụng lao động và các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn về nhân viên của mình, đồng thời mở ra nhiều tiềm năng và đạt được các mục tiêu lớn hơn trong tổ chức, bao gồm: Thu hút nhân viên tham gia quá trình chuyển đổi; vận dụng AI; đầu tư vào năng lực lãnh đạo chuyển đổi; khuyến khích văn hóa thử nghiệm, sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận những thất bại có quy mô nhỏ; đảm bảo các quyết định thăng chức được xem xét đầy đủ “kỹ năng mềm” và có cách tiếp cận chủ động đối với sự đa dạng và hòa nhập…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.