Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động chưa hết áp lực

Kim Vũ| 07/10/2010 06:56

(HNM) - Có một thực tế rất ít người quan tâm là áp lực công việc tại các doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hệ quả là có nhiều người lao động (NLĐ) bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, bị stress nặng do làm việc quá sức, năng suất lao động giảm.

Việc xây dựng chính sách cân bằng công việc và cuộc sống chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Đàm Duy


Tháng 8-2010, mạng Cộng đồng doanh nhân lớn nhất Việt Nam (Caravat.com) đã tổ chức khảo sát với 2.000 NLĐ về sự cân bằng trong công việc và cuộc sống. Kết quả cho thấy chỉ có 27% số người được hỏi cho biết mình có được sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống, 62% thấy hoặc ít hoặc nhiều bị mất cân bằng và 11% hoàn toàn mất cân bằng.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, với NLĐ trong các DN, vấn đề lương, thưởng là quan trọng nhất thì sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã trở thành điều quan trọng thứ 2. Hiện nay, rất ít DN xây dựng các chính sách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho NLĐ. Cụ thể trong số 2.000 người được hỏi thì chỉ có 34% trả lời là DN của họ có chính sách này, 32% trả lời là không có và 34% nói họ không biết. Điều này cho thấy các DN rất xem nhẹ vấn đề bảo đảm cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên. Anh Trần Văn Nam, nhân viên trực điện thoại tại một công ty Hà Nội cho biết, mỗi ngày anh chỉ phải làm 8 giờ/1 ca làm việc, nhưng vì lương thấp, nhiều ngày anh đã phải xin làm thêm 1 ca nữa để có được 4 triệu đồng/tháng. Nhưng nghịch lý là khi công ty bố trí giờ làm thêm triền miên cho anh Nam nên đã dẫn đến anh bị suy nhược cơ thể, hay mắc lỗi trong công việc như: chăm sóc khách hàng qua điện thoại không chu đáo, tiếp nhận thông tin sai lệch và cuối tháng, anh đã bị phạt không ít tiền do lỗi của mình.

Theo ông Kannan, Phó Tổng Giám đốc Nhân sự, Công ty PepsiCo Việt Nam, điều quan trọng là các DN phải tạo ra được một hệ thống ghi nhận, theo dõi và đánh giá chặt chẽ các thỏa thuận giữa công ty và nhân viên. PepsiCo đã từng có chương trình "One simple thing" (Một mong muốn đơn giản), cho phép mỗi nhân viên đề đạt một nguyện vọng cá nhân để giúp có thể làm việc hiệu quả hơn. Khi đưa ra thảo luận và được đồng ý, ý kiến này sẽ được ghi nhận rõ ràng trong "Kế hoạch phát triển nhân viên" và được theo dõi, đánh giá thường xuyên chung với kết quả kinh doanh.

Chủ động hạn chế làm việc ngoài giờ; lương ngoài giờ; chăm sóc sức khỏe và tinh thần; kế hoạch làm việc linh hoạt như làm việc bán thời gian; làm việc tại nhà; giờ đến - giờ về linh hoạt; hỗ trợ nhân viên và gia đình; bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên; kỳ nghỉ bắt buộc; nghỉ ốm; ngày nghỉ thưởng theo thâm niên… Đó là những tiêu chí mà các chuyên gia lao động đã tổng hợp, với mong muốn đưa được chính sách cân bằng công việc và cuộc sống vào các chính sách quản lý để giảm thiểu những áp lực trong công việc của NLĐ. Làm được như vậy, cả NLĐ và DN đều được hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động chưa hết áp lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.