Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người “làm mối” phim Việt đến Mỹ

Hoàng Giang Sơn| 07/03/2010 06:20

(HNM) - Lần nào về Việt Nam, Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (The Institute for Vietnamese Culture & Education - IVCE) đều kín lịch bởi các cuộc gặp gỡ, hội thảo. Đã thành lệ, sau những buổi hội thảo du học, những buổi gặp mặt "IVCE&Friends" thu hút khá đông Việt kiều, tình nguyện viên của IVCE tại Việt Nam, văn nghệ sĩ, giảng viên đại học. . .

Bắc cầu văn hóa và giáo dục Việt Nam - Mỹ

Năm 1996, Trần Thắng cùng một số bạn bè thành lập Tạp chí Nhịp sống, với mong muốn tạo diễn đàn trao đổi các vấn đề văn hóa và giáo dục liên quan đến Việt Nam. Đây là một trong ít tạp chí xuất bản ở Mỹ thu hút các cây bút trong nước tham gia viết bài. Tạp chí này phát hành tại nhiều nước châu Âu, Canađa, Mỹ. Là tổng biên tập, Trần Thắng liên lạc với các tác giả để tổ chức bài vở, rồi lo tài chính kiêm phát hành…

Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ Trần Thắng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Connecticut, Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành quản lý nhà máy. Năm 1999, anh chính thức làm công việc chuyên môn tại Công ty Tàu ngầm nguyên tử Electric Boat. Một năm sau, anh đầu quân cho hãng động cơ máy bay Pratt & Whitney. Với ước nguyện tạo nên nhịp cầu văn hóa và giáo dục thiết thực và hiệu quả giữa trong nước và Mỹ, anh và những người cùng chí hướng quyết định thành lập IVCE tại New York từ năm 2000. Ban điều hành IVCE gồm 7 người trẻ tuổi, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ban cố vấn IVCE cũng gồm 7 người: GS Trần Văn Khê, GS John Balaban, GS Nguyễn Thuyết Phong, TS Ngô Thanh Nhàn, GS Trần Vũ Hoa, Trần Thuận và Trần Thắng.

Trần Thắng nhớ lại, anh bắt đầu về Việt Nam từ những năm 1996 nhưng trước đó, năm 1993, khi tham gia sinh hoạt trong hội sinh viên, anh đã ấp ủ ý tưởng về việc phát huy văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt và giới thiệu truyền thống và tinh hoa văn hóa Việt đến với người Mỹ. Anh nghiệm ra, "giáo dục và văn hóa thực sự là nền tảng để phát triển xã hội".

Chủ tịch không lương

Chính thức triển khai hoạt động từ năm 2002, IVCE đã tổ chức nhiều đợt giới thiệu phim, triển lãm tranh của các họa sĩ trong nước, biểu diễn âm nhạc dân tộc, thuyết trình văn hóa Việt... tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 5 đến 6 chương trình cùng các hoạt động giao lưu với nghệ sĩ và trao đổi, thảo luận về tác phẩm. Những năm gần đây, IVCE hướng đến việc đưa những phim trong nước mới sản xuất sang Mỹ để giới thiệu với sinh viên các trường đại học. Sau đợt chiếu phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy vào năm 2003, đến nay nhiều phim truyện khác đã được IVCE tổ chức trình chiếu ở Mỹ như Ðời cát, Mê Thảo - thời vang bóng, Vua bãi rác, Của rơi, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt. . .

Ngày càng có nhiều trường đại học tên tuổi hợp tác với IVCE để thực hiện các chương trình này. Mỗi một bộ phim được chiếu tại 10 đến 15 trường đại học, trong đó có nhiều trường danh tiếng trên khắp nước Mỹ. Không chỉ là những buổi giới thiệu đơn thuần, Trần Thắng và IVCE muốn người Việt trẻ ở Mỹ và cả người Mỹ có dịp khám phá và tăng cường hiểu biết về văn hóa, đời sống của người Việt Nam thông qua phim ảnh. Vì vậy, phần giao lưu sau các buổi chiếu được đặc biệt quan tâm. Ngoài các nhà làm phim từ trong nước sang, IVCE còn mời những người nghiên cứu về điện ảnh, chuyên gia văn hóa người Mỹ đến xem và bình luận về bộ phim. Điều thú vị là có nhiều trường đại học ở Mỹ chủ động liên lạc với IVCE để thực hiện chương trình chiếu phim cho sinh viên học ngành Việt Nam học.

Không ít người bất ngờ khi biết chi phí một đợt chiếu phim trong khoảng gần một tháng ở Mỹ (bao gồm vé máy bay cho các nghệ sĩ và chỗ ở) khoảng 6.000-7.000 USD. Dĩ nhiên, Trần Thắng là tình nguyện viên đặc biệt trong cả chuyến đi nên không thể tính hết công sức anh đã đóng góp cho sự thành công của mỗi chương trình. Có hôm, anh chạy xe một mạch từ Washington D.C để đưa các nghệ sĩ về nhà riêng ở Connecticut, nghĩa là chạy suốt đêm trong 7 giờ với quãng đường trên 700km, sau một chương trình chiếu phim.

"Cuộc sống luôn mở ra nhiều cơ hội, mỗi người có thể chọn một con đường để làm việc và cống hiến. Cuộc sống của mình là quan trọng. Nhưng cuộc sống của những người xung quanh mình cũng không kém phần quan trọng", lời thủ thỉ của Trần Thắng ở Hà Nội dường như là tâm nguyện anh đúc rút sau gần 15 năm tích cực hoạt động vì văn hóa và giáo dục Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người “làm mối” phim Việt đến Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.