(HNM) - Qua 90 năm xây dựng và phát triển, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sự phát triển của quốc gia.
Hội Nhà báo Việt Nam với trên 22.000 hội viên của gần 850 cơ quan báo chí trong cả nước - dù không hẳn toàn bộ con số này là những người trực tiếp cầm bút và số lượng người làm nghề báo cũng không phải quá lớn so với nhiều ngành nghề khác, nhưng phải khẳng định, đây là một nghề đặc biệt, có vai trò, vị trí, chức năng đặc biệt trong đời sống xã hội. Vì vậy, giai đoạn hiện nay có những yêu cầu, đòi hỏi riêng đối với người làm nghề đặc biệt này.
Làm báo là một nghề đặc biệt, có vị trí, chức năng đặc biệt trong đời sống xã hội. Ảnh: Bá Hoạt |
Ngày 21-6-1925, số báo Thanh Niên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra đời là mốc lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ không nhận mình là nhà báo mà chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”. Thực tế, cái “duyên nợ với báo chí” ấy đã kéo dài trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã xác lập một phương pháp làm báo với những yêu cầu hết sức cụ thể, đó là Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?
Như vậy, trước khi đặt bút thực hiện một tác phẩm báo chí, người viết phải xác định rõ nội dung, đối tượng, mục đích và hình thức thể hiện, đây chính là những nguyên tắc cơ bản không thiếu đối với người làm báo. Trải qua những năm tháng ngồi “mòn ghế” trên giảng đường cũng như đúc rút cho hành trang làm nghề từ thực tế cuộc sống, có thể nói hầu hết người làm báo đều nằm lòng “công thức 4V”, tuy nhiên từ lý thuyết tới thực hành lại là cả một quãng đường không cố định đối với từng cá nhân và mang lại “thu hoạch” cuối cùng cũng rất khác nhau.
Xét cho cùng, vấn đề nêu trên chính là trách nhiệm xã hội của người làm báo, mà trước hết là trách nhiệm đối với hệ quả của tác phẩm sau khi trở thành “món ăn tinh thần” của bạn đọc.
Dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đã diễn ra không ít cuộc hội thảo, tọa đàm, ít nhiều liên quan tới trách nhiệm xã hội và vai trò của người làm báo. Điều đó cho thấy sức nóng của vấn đề này trong giai đoạn hiện nay. Thực tế, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, báo chí còn có khả năng tác động nhanh chóng và hết sức mạnh mẽ đối với xã hội, đôi khi vượt ra ngoài dự kiến của người viết. Một tác phẩm báo chí có thể mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức, lòng tin và định hướng hành động cho công chúng, nhưng cũng có thể làm suy giảm lòng tin, băng hoại đạo đức, làm sai lệch nhận thức và dẫn đến làm lệch lạc về hành động không chỉ một cá nhân, một nhóm người mà có thể cả một cộng đồng. Cùng về vấn đề này, tại một hội thảo diễn ra mới đây, nhà báo lão thành Hữu Thọ chia sẻ sự lo ngại về đạo đức người viết báo khi hiển hiện trên mặt báo thông tin không chuẩn xác quá nhiều và… có những cái sai tới không ngờ.
Tình trạng trên, theo nhà báo Hữu Thọ có hai nguyên nhân chính: Một là nhiều tờ báo in rất khó khăn về tài chính nên số phụ và trang điện tử ra quá nhiều, cái sai chủ yếu ở đó. Hai là con người làm báo, trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo còn thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo, nhiều chủ quản thì lơ mơ, thiếu sự giám sát nghiêm túc.
Thực tế có phải vậy không? Có thể thấy, báo chí hiện nay đang hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường, cạnh tranh rất gay gắt, nguồn kinh phí bao cấp như trước đây cắt giảm ở mức tối đa. Do đó, những khó khăn về tài chính là điều khó tránh khỏi. Sự bung ra của các loại hình quảng cáo, PR trong bức tranh chung tình hình kinh tế phục hồi chưa mạnh mẽ, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp, dẫn đến hoạt động báo chí khó có thể cân đối thu - chi. Môi trường ấy làm cho “cái tôi”… tiêu cực trong mỗi người cầm bút có điều kiện nảy sinh và bùng phát. Ví dụ cụ thể là một số nhà báo và người quản lý chỉ đau đáu… tính toán ăn chia tỷ lệ phần trăm bài, tin quảng cáo, PR; rồi chạy đua, cạnh tranh thông tin theo kiểu thiếu ngay ngắn, giật gân, câu khách rẻ tiền; thậm chí là tổ chức “đánh đấm”, “ném đá hội đồng” để hạ bệ, “tiêu diệt” nơi này, thổi phồng, đề cao nơi khác vì mục đích tư lợi… Lại có những tờ báo, có những số báo “lá cải… hóa” tới ¾ thông tin ở trang nhất chỉ tập trung xung quanh đời tư, scandal của người nổi tiếng cùng những câu chuyện theo chủ đề “chăn gối - phòng the” hoặc “cướp - hiếp - giết”, nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của một bộ phận nhỏ độc giả. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới uy tín của những người làm nghề chân chính.
Độc giả luôn đón chờ những thông tin bổ ích, hấp dẫn trên báo chí. Ảnh: Mạnh Hà |
Ở khía cạnh khác, một số nhà báo lão thành đã từng nhận xét về những nguy cơ văn hóa giai đoạn hiện nay trong đó có nghề báo, rất đáng suy nghĩ rằng: “Bằng cấp cao lên nhưng tri thức thấp xuống. Máy tính nhiều lên nhưng giao tiếp trực tiếp giữa người với người ít đi. Cái nhà to lên nhưng gia đình bé lại...”. Quả thực không biết có sự nhầm lẫn chăng mà có cả những thạc sĩ làm nghề này, vài năm trời không có nổi bài tin “sạch nước cản”, thậm chí tới chính tả còn không phân biệt nổi “l” và “n”, hay viết hoa không chuẩn xác vậy mà ở nơi này, chỗ nọ, “tiếng tăm” nổi như cồn, không ai không biết. Rồi như cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn về thực trạng không ít người làm báo chỉ làm việc trong phòng kín, lướt web, lên facebook lấy thông tin xào xáo lại để đăng cho nhanh. Có cả chuyện cánh làm nghề kháo nhau về người quản lý chỉ đạo biên tập viên bổ sung thêm thông tin trên mạng vào tác phẩm của phóng viên cho hấp dẫn dù đó là bài phỏng vấn quan chức cấp cao…
Thật nguy hiểm lắm thay! Khi những điều bất thường như vậy trở thành… bình thường thì quả là đạo đức của một bộ phận người làm báo đang rất đáng lo ngại.
Xét cho cùng, ngành nghề nào cũng đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp. Với nghề báo, đạo đức nghề nghiệp lại càng cần phải được đề cao khi sản phẩm báo chí trực tiếp tác động tới nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Cùng thông tin về một sự việc, nhưng nhà báo có đạo đức nghề nghiệp sẽ đặt lợi ích của số đông, của công chúng, nhân dân lên trên, còn nhà báo thiếu đạo đức nghề nghiệp đầu tiên sẽ nghĩ đến lợi ích của bản thân, hoặc cơ quan báo chí mà bất chấp hậu quả xảy ra. Đây cũng chính là vấn đề mang tính thời sự cấp thiết mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ và lưu ý đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng những người làm nghề trong các buổi gặp mặt ngày 18 và 19-6 vừa qua, nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nội hàm trong “công thức 4V” đối với người làm báo như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật đầy đủ ý nghĩa. Đạt được điều đó, mỗi tác phẩm báo chí thực sự là sản phẩm của quá trình rèn luyện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức và bản lĩnh của người làm nghề. Ấy chính là “cái Tâm” gắn liền với nhân cách và “cái Tầm” thể hiện trí tuệ của nhà báo chân chính, thực hiện một nghề đặc biệt với trọng trách nặng nề mà xã hội giao phó và đòi hỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.