Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lạ xứ Đoài

Đức Hải| 13/10/2010 10:29

(HNMCT) - Nhìn bề ngoài nom Hà Nguyên Huyến khá “dị”, dáng lòng khòng, râu tóc bù xù, đặc biệt là đôi mắt dù có cặp kính cận dày cộp đến mấy đi ốp vẫn chất chứa nỗi nhân tình thế thái. Tôi gặp Huyến vào một buổi trưa xứ Đoài mây trắng, trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, tại chính ngôi nhà của gã ở làng cổ Đường Lâm…


1. Tàn cuộc hội thảo về bảo tồn làng cổ, các nhà báo được đưa đến một ngôi nhà cổ ở thôn Mông Phụ để thưởng thức ẩm thực xứ Đoài. Chúng tôi đi bộ vòng vèo trong những con ngõ hun hút tường đá ong, dưới nắng trưa cuối thu gay gắt, nên khi bước vào khuôn viên râm mát cảm thấy như lọt vào ốc đảo.


Nghề làm tương đang thoi thóp


Trong ngôi nhà 5 gian dễ đến hơn trăm tuổi và gian nhà phụ, cũng cổ không kém, treo kín ảnh nghệ thuật với tranh sơn dầu phong cảnh làng quê. Giữa sân đặt hàng chục chum sành khá lớn. Khung cảnh toát lên vẻ cổ kính, được sắp đặt hài hòa, chứng tỏ chủ nhà khá có “gu”. Một người đàn ông trung niên gầy gò bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là Hà Nguyên Huyến”. Cái tên nghe quen quen, dường như gặp ở đâu đó rồi. Và khi chủ nhà bảo phục vụ khách du lịch là nghề tay trái, chứ bản thân gã hiện công tác ở tờ Văn Nghệ, cánh nhà báo liền quây lấy gã. Nhưng, chuyện trò câu được câu mất, vì “khách du lịch Đức thường khó tính lắm”, gã bảo thế…

Tôi quay lại ngôi nhà cổ lúc đã vãn khách. Chủ nhà lúc này đã may ô, quần đùi, nom càng giống cây gỗ lũa. Rót chén nước vối mời khách rồi gã phân bua: “Ông thông cảm, tôi mặc thế này cho mát. Quay như chong chóng từ sáng tới giờ. Hôm nay còn đỡ, vào dịp cuối tuần có hôm tiếp cả trăm khách. Toàn các công ty du lịch ngoài Hà Nội điện thoại đặt trước, chứ tôi có bán cơm bụi đâu. Vất vả lắm, kiếm được đồng tiền có hàng trăm cái ngoắt ngoéo chứ không hề đơn giản ông ạ!”. Quay sang chuyện nhà cổ, gã bảo: “Nhà này các cụ tôi làm năm Kỷ Tỵ 1864, là một trong 10 nhà cổ ở Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mỗi tháng các ông ấy cấp cho gia đình tôi 300 nghìn đồng, gọi là tiền mở cửa, đun nước đón khách du lịch”...

2. Cái tên Hà Nguyên Huyến chẳng xa lạ gì với giới văn chương, báo chí. Cách đây hơn chục năm, trên mấy tờ báo văn nghệ bắt đầu xuất hiện hàng loạt truyện ngắn của Hà Nguyên Huyến. Độc giả bị cuốn hút bởi phong cách văn chương mang hơi hướng “tiểu thuyết đường rừng” ngày trước, nhưng mấy ai nghĩ tác giả những truyện ngắn ít nhiều ma mị ấy là người “tay ngang”, thậm chí là một anh thợ mộc!

Đường đến nghiệp văn của Huyến ly kỳ chẳng kém truyện gã viết. Gã sinh năm 1958 ở làng cổ Đường Lâm, đời cụ kỵ gì đấy làm quan triều Nguyễn. Tốt nghiệp khoa Triết khóa 19 Trường Đại học Tổng hợp năm 1980, được phân vào Đà Nẵng dạy ĐH Bách khoa nhưng gã không đi mà xin vào Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Ba Vì. “Cờ- đèn- kèn- trống” đúng một tháng thì gã bỏ ra ngoài làm… thợ mộc! Thấy gã tướng học trò loẻo khoẻo, trói gà không chặt nên thợ cả bố trí việc nhẹ, lo chuyện cơm nước, thỉnh thoảng mới phải “kéo cưa lừa xẻ”. Làm thợ ráo mồ hôi hết tiền, nhưng chính thực tế cuộc sống nay đây mai đó, rong ruổi khắp xứ Đoài, lang bạt kỳ hồ tận các bản Mường, bản Dao tít sâu trên dãy Ba Vì đã cho gã những trải nghiệm, tích góp “vốn liếng” để sau này tãi dần lên mặt giấy.

Năm 1987, truyện ngắn đầu tay Con rộc kiêng của Huyến được đăng báo “Người Hà Nội”, bấy giờ do nhà văn Tô Hoài làm Tổng biên tập. Tòa soạn nhận bài qua đường bưu điện chứ không biết tác giả cái truyện ngắn đậm màu sắc rừng rú ấy là một tay thợ mộc vô danh. Bản thân Huyến lúc ấy cũng không quen ai trong giới cầm bút, cứ viết rồi gửi đi thôi chứ cũng chẳng nghĩ đến chuyện tác phẩm sẽ có ngày được đăng báo, mà còn đăng báo lớn hẳn hoi! Năm 1988, gã cưới vợ, một cô giáo làng dạy môn Mỹ thuật ở trường cấp 2 (chính là tác giả những tranh sơn dầu tả thực treo đầy trên tường ngôi nhà cổ của gã). Cưới xong gã lại ngược lên rừng làm thợ mộc, ngày kỳ cạch đục đẽo, tối chong đèn viết văn.

Năm 1990 bắt đầu thời “mở cửa”. Sau nhiều trăn trở, Huyến bỏ nghề sơn tràng, về nhà mở cơ sở làm tương với hy vọng đổi đời. Mẹ gã vốn có nghề làm tương gia truyền, tương của bà nổi tiếng khắp vùng Kẻ Mía. Anh em gã được nuôi nấng, ăn học tử tế nhờ mấy chum tương của người đàn bà nhà quê ấy. Lớn lên, những người con không ai theo nghề làm tương, và tất nhiên bà cũng không muốn các con làm cái nghề lam lũ ấy. Vậy mà ai ngờ có ngày Huyến lại theo cái nghề ấy, có lẽ là do số phận, như bây giờ thỉnh thoảng gã vẫn bảo: “Tương vốn chảy trong huyết quản của tôi”. Thực ra Huyến được mẹ truyền bí quyết làm tương gia truyền từ năm 1984. Năm đó mẹ gã ốm, gã về đưa mẹ đi khám bệnh. Bác sỹ khám xong, nói riêng với gã là bà bị ung thư, chả sống được mấy nả. Gã đưa mẹ về, phụng dưỡng chu đáo. Nằm trên giường, nhìn con trai vốn gầy gò giờ càng hốc hác, bà càng thương gã, học hành nào kém ai mà sao bao năm vẫn lận đận. Bà bèn bảo hắn mang giấy bút ra. Thấy mẹ cả đời chỉ biết viết mỗi chữ “Được” để ký tên (bà tên là Được) đòi giấy bút, gã tưởng bà bảo ghi di chúc, không ngờ lại đọc công thức làm tương, khuyên gã theo nghề này cho đỡ vất. Gã “vâng, dạ” cho mẹ vui lòng, chứ lúc ấy vẫn không có ý định sẽ theo nghề làm tương. Một thời gian ngắn sau thì bà mẹ mất.

Bẵng đi mấy năm, bước vào thời “mở cửa” gã mới quay về quê mở cơ sở làm tương. Làng nước có người thấy gã học hành tử tế, lâu nay “đi thoát ly”(có mấy người biết gã đi làm thợ mộc đâu), giờ về nhà làm tương, liền dè bỉu… Những năm ấy, tương “Nguyên Hà” của Hà Nguyên Huyến nổi tiếng khắp vùng, “thống trị” thị trường bán kính hàng chục cây số. Xe tải về đỗ ở cửa đình, chờ lấy tương mang đi bán khắp các vùng miền. Tương của gã bán chạy nhờ bí quyết gia truyền đã đành, còn do gã tháo vát, quan hệ rộng. Kỳ thực thì gã vốn “dùi đục chấm mắm cáy” chứ không khéo léo như bây giờ. Trong chuyến thương hồ nào đó gã vớ được tay sách nát - một cuốn sách rách mất đầu mất cuối. Vốn là mọt sách (nhà có cả một tủ sách đông tây kim cổ do các cụ truyền lại) nhưng gã đọc cuốn này thấy hay quá, hay nhất trong những sách gã từng đọc, sau này mới biết đó là cuốn “Đắc nhân tâm” (của Dale Carnegie). Lúc rảnh rỗi gã thường mang ra nghiền ngẫm đến thuộc lòng… Gã bảo: “Tôi tâm đắc nhất hai câu, một là khách hàng luôn luôn đúng, hai là trong mọi cuộc tranh luận không có người chiến thắng. Câu thứ nhất tôi áp dụng vào chuyện làm tương. Câu thứ hai áp dụng vào việc ứng xử hàng ngày trong đời sống”.

3. Dù bận làm ăn Huyến vẫn nuôi mộng văn chương. Ngày làm tương, đêm lại viết văn, giống như hồi còn làm mộc. Năm 1995, tờ Văn Nghệ in truyện Bán linh hồn của Hà Nguyên Huyến. Bắt đầu từ đó truyện của gã đăng nhan nhản trên các tờ báo văn nghệ, tạp chí của trung ương, của Hà Nội và Hà Tây, đáng chú ý như Lá thuốc dấu (1999), Thung Mơ (2000), Tiếng đất (2002), Đất qua lửa (2004)… Gã đã giành giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1998-2000), Cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi (của NXB Trẻ, năm 2002), Giải thưởng văn học Nguyễn Trãi - Hội VHNT tỉnh Hà Tây (2000), Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Hội VHNT tỉnh Hà Tây (2001). Ngoài những cái đã in, gã còn vô số truyện chưa in, đến giờ gã vẫn còn giữ cả sấp dày bản thảo... Gã tập hợp truyện đã đăng báo xuất bản thành sách, đến năm 2002 đã có trong tay 5 đầu sách. Cũng năm 2002, Tổng biên tập báo Văn Nghệ Hữu Thỉnh bảo gã: “Mày về làm cho anh”. Gã tròn mắt: “Em về đó làm gì?” – “Mày về ban Văn, trực truyện ngắn cho anh”. Thế là hắn lại làm “người Nhà nước”, mà làm nhà văn, nhà báo hẳn hoi, lúc đã bước sang tuổi 45. Gã được đứng chung hàng ngũ của ban Văn lúc ấy lừng lẫy với những cái tên Trần Huy Quang, Dạ Ngân, Phạm Thị Minh Thư. Bây giờ, người cũ chỉ còn lại gã với Phạm Thị Minh Thư… Vào làm việc tại báo Văn Nghệ, đọc lại những gì mình viết, gã chợt ngộ rằng, “giờ mà còn viết như thế này thì ma nó đọc”. Có điều phải viết như thế nào thì… Như gã thú nhận, kể từ ngày chính thức đặt chân vào lằng văn làng báo, gã chưa viết được cái gì cho ra hồn, chưa in thêm được tập sách nào, thế mới lạ!? Bù lại, gã lao vào làm biên tập, vỉết phóng sự, bút ký văn học… (đến nay gã đã có cả trăm bài bút ký văn học). Gã còn phi xe máy vào tận Quảng Trị viết phóng sự dài kỳ, còn như đi Thanh Hóa trong ngày là chuyện bình thường…

Hồi chưa làm báo, mỗi bận lên Hà Nội lĩnh nhuận bút gã lại dẫn bạn văn về nhà đãi đằng, trong số đó có cả một số họa sỹ, dân buôn tranh (tôi đồ rằng có thể họ đến vì những bức tranh do cô giáo làng tức là vợ gã vẽ). Thế nên, khi làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp quốc gia (tháng 11- 2005) thì Huyến nảy ra ý tưởng làm dịch vụ du lịch, nói nôm na là phục vụ ăn uống cho khách tham quan, nhưng đến năm 2007 mới thực hiện được. Huyến bảo: “Phải xoay chứ không thể trông vào lương ba cọc ba đồng được. Hồi tôi mới đi làm, sếp bảo “mày có làm đến cuối đời cũng không đủ tuổi nghỉ hưu”. Thì ông tính, 45 tuổi tôi mới đi làm cơ quan Nhà nước cơ mà”.

Huyến trỏ vào những chum tương sắp đặt giữa sân, bảo phần lớn đó là chum không, để cho đẹp nhà. “Bây giờ tôi chỉ làm đủ nhà ăn và phục vụ khách tại đây chứ không bán ra ngoài. Tôi xác định là nhiều khả năng cái nghề làm tương đến bây giờ chết hẳn rồi ông ạ! Vì sao? Vì nước mắm bây giờ chúng nó làm ngon quá!”. Gã nói đầy vẻ hài hước nhưng giọng nghe có cái gì đó ngậm ngùi. Chẳng gì gã cũng đã có 21 năm làm tương. Cái nghề gia truyền đã vực dậy cả gia đình, giúp gã nuôi 3 cô con gái ăn học (cô cả học năm thứ 3 ĐH Ngoại thương, cô thứ hai học lớp 11, cô út “chấy rận” sinh năm gã vào báo Văn Nghệ, giờ mới 8 tuổi học lớp 3). Cái nghề một thời oanh liệt, cứ tiền vào là hàng ra, cho gã cuộc sống dư dả, tích cóp mua được nhà ở Hà Đông, chỗ gần Viện 103, giờ đang thoi thóp như bao nghề truyền thống khác!

Tiễn tôi ra cổng, Huyến bảo: “Thể nào tôi cũng sẽ quay lại với văn chương ông ạ!”. Nhìn cái dáng xương xẩu, đôi mắt thẳm sâu sau cặp kính trễ thấm đẫm ráng chiều đỏ ối, càng thêm ấn tượng về một “dị nhân” của xứ Đoài!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lạ xứ Đoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.