Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Hà Nhì giữ đất

Trần Hương| 01/06/2014 05:44

(HNM) - Câu chuyện lập bản giữ đất của 9 hộ dân người Hà Nhì trên miền biên giới xa xôi, giáp đường vành đai biên giới Việt - Trung không phải là câu chuyện cổ tích.

Bản 9 nóc nhà

Từ bản Tả Ko Ky đến UBND xã Sín Thầu, vừa đi xe, vừa cuốc bộ mất chừng hơn tiếng đồng hồ. Con đường vào bản được mở cách đây không lâu, nham nhở vết cào của "bàn tay sắt" còn in dấu trên ta luy dương. Trời mưa đã xói mòn rửa trôi lớp đất, khiến bề mặt lồi lõm sống trâu, những hòn đá to như vốc tay tròn ủng lăn lóc. Xe chúng tôi lao dốc vượt lên chồm chồm như người say rượu. Phía dưới là vực sâu vài trăm mét... Nhiều đoạn, tôi ngồi sau xe nín thở. Đến mỏm núi đầu bản đã nhìn thấy Tả Ko Ky, nhưng phải đi bộ gần 1 tiếng đồng hồ nữa mới đến vì đường vào bản bị con suối Păng Lơi (gọi theo tiếng Hà Nhì) cắt vụn thành những đoạn đường đi hiểm trở. Hóa ra người đi trên vách mà hình thì rơi xuống tận đáy vực. Chúng tôi bất ngờ vì giữa rừng có một lán để xe máy, quãng 3, 4 cái nhưng chẳng cái xe nào có bánh. Hóa ra do không thể đi được vào bản, người dân phải để xe ở đây để đi bộ. Nhưng để cho an toàn, họ tháo bánh trước, bánh sau, gương... trơ lại nhõn bộ khung để phòng kẻ gian lấy cắp. Nếu ai không muốn để xe ngoài lán thì phải nhờ 4 thanh niên to khỏe khiêng xe vào bản. Trên đường, chúng tôi gặp 2 thanh niên đang khoác đôi bánh xe trở ra để xuống chợ.

Ông Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu bên những mố cầu xây dang dở ở bản Tả Ko Ky.


Đang giữa tháng 4, tiếng con chim "bắt cô trói cột" cứ lanh lảnh ở bìa rừng. Ngọn gió Lào "cựa mình trở dậy" trên đỉnh núi Trường Sơn, rồi thổi vào đất Mường Nhé (Điện Biên) khô rát, đều đều như quạt lửa. Độ ẩm giảm xuống 30%, nhiệt độ có khi lên tới 39 - 40 độ, trời nắng chói chang, cây cỏ héo khô, sông suối cạn kiệt, người lúc nào cũng như đang sốt nhẹ. Chúng tôi đặt chân lên bản Tả Ko Ky giữa tiết trời khô nóng, nhưng sức nóng của khí hậu cũng chưa thể sánh bằng sức "nóng" của trái tim những người Hà Nhì yêu đất. Chẳng thế mà 9 hộ dân người Hà Nhì lại có mặt ở vùng gian khó ấy từ năm 2007, theo lời kêu gọi của chính quyền lên lập bản giữ đất; cách cột mốc số 0, Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc thuộc xã Sín Thầu, Huyện Mường Nhé (Điện Biên) là 17,4km.

Lúc này người dẫn đường Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, vừa thở vừa nói: Đấy! Cô xem đi... Các mố cầu này người ta về xây năm ngoái, năm kia nay lên mốc lên rêu rồi mà không ai chịu về làm tiếp cho dân. Chờ mãi mới có được một công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng nhưng từ lúc xây xong đến giờ, dân tôi chả có giọt nước nào vào ruộng. Các dự án làm đường vào bản, làm cầu treo, nước sinh hoạt... chưa thấy đâu, nhưng dân tôi chịu thương, chịu khó nên họ đã bám trụ để lập bản cho cuộc sống sinh sôi.

Những câu chuyện "đất cũ, bản mới..."

Anh Mạ Khóa Tư, thôn đội trưởng bản Tả Ko Ky, cho biết: Khi người Hà Nhì chưa có thêm bản mới Tả Ko Ky, nhiều trâu bò thả rông hay bị bắt trộm hoặc mất tích mà không rõ lý do. Rồi người Mông ở một số nơi thường trốn về đây tìm cách vượt biên trái phép, lúc thì chỗ này có người lạ mặt xuất hiện cả tốp 5, 6 người, chỗ kia có người lại chỉ nghe thấy tiếng nói vọng vào hang đá mà không thấy người đâu. Nhiều câu chuyện xảy ra như người ta kể để cho vui. Chính vì vậy mà người già đã khuyên vợ chồng tôi và nhiều gia đình khác lên bản mới Tả Ko Ky, một phần có thêm đất khai hoang sinh sống, một phần để ngăn người xấu về làm hại dân bản. Hôm đoàn cán bộ xã cùng Bộ đội Biên phòng vận chuyển đồ cho chúng tôi, trước khi ra về cán bộ Biên phòng còn nói: Các hộ dân có mặt ở đây giờ này được coi như những người lính bảo vệ vùng đất biên giới của Tổ quốc, bảo vệ người Hà Nhì trước kẻ xấu, nên mọi người phải đoàn kết giúp đỡ nhau lao động sản xuất. Ngày ấy, mỗi hộ dân chúng tôi chuyển lên bản mới được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng. Hai mươi triệu đồng năm 2007, to lắm... mua được 4 - 5 con bê giống chứ chẳng ít đâu.

Nếu thuở xưa, hành trình tạo nghiệp của tổ tiên, cha ông ta trong việc dựng nước và giữ nước đã vượt qua bao gian lao thử thách để giữ đất, tạo dựng nên bản làng, thôn xóm đông vui, thì nay người Hà Nhì ở Tả Ko Ky cũng gần như thế, với điều kiện sinh sống vô vàn khó khăn. Họ đồng lòng quyết tâm bám trụ mảnh đất của tổ tiên và hình thành bản quán từ lòng yêu đất, yêu quê hương, từ chính nỗi nhọc nhằn gian khó ấy.

Thế nên Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu nhận định: Sự "ra đời" của bản Tả Ko Ky đạt nhiều mục đích, lợi ích. Thứ nhất là người Hà Nhì có thêm diện tích đất để khai hoang, thứ nữa là việc ngăn chặn kịp thời những đối tượng là người dân tộc Mông trốn lên đây để vượt biên trái phép. Đặc biệt là phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương về sự xuất hiện của những người lạ mặt hay tụ tập vào ban đêm ở gần con suối Păng Lơi đầu bản. Lẽ đó mà từ năm 2012 đến nay, người dân bản mới Tả Ko Ky đã phát hiện được một số đối tượng khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép; 6-7 người Mông có ý định vượt biên trái phép; báo cho chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang trục xuất 4 đối tượng là người Trung Quốc ra khỏi địa bàn... góp phần giữ vững an ninh trật tự nơi vùng biên giới.

Ngày chúng tôi có mặt ở bản cũng là ngày bản Tả Ko Ky vừa được đón thêm 7 hộ dân người Hà Nhì từ bản Tả Ko Khừ chuyển lên. Trong ngôi nhà vẫn còn ngổn ngang những bát, đũa, xoong, nồi, quần áo, gạo, chăn... chị Lý Xé Cà dùng vốn từ tiếng Việt ít ỏi tiếp tôi. Nhiều lúc ông Pờ Dần Sinh lại phải chỉnh sửa giúp chị: Vợ chồng mình lên đây thì cũng không sợ khổ, sợ đói gì... Nhưng nếu mà có đường đi xe máy, có trường học cho trẻ con thì tốt quá. Chồng mình bảo, người dân cứ lên ở nhiều thì Nhà nước sẽ về làm các thứ cho bản... Nếu ít người ở quá thì làm hết nhiều tiền mà không nhiều người được hưởng. - Tôi thật sự bất ngờ vì đoạn thoại rất sinh động của chị. Dứt là chị quay lưng, chân nhún nhún tay vỗ mông đứa trẻ bồm bộp, nựng nó đương khóc vì cơn ngái ngủ, rồi cứ thế bước đi bỏ lại tôi và ông Sinh.

Được biết, từ cuối tháng 3 đến nay, bản Tả Ko Ky đón thêm 9 hộ dân người Hà Nhì lên đây cùng sinh sống. Những hộ đi trước giờ lại là những người chia ngọt sẻ bùi, xắn tay giúp đỡ những hộ lên sau. San sẻ ruộng đất, hỗ trợ ngày công làm nhà ở cùng uống chung dòng nước suối, hít chung một khí trời... Đến nay, bản Tả Ko Ky đã có gần 20 hộ gia đình. Hy vọng bản Tả Ko Ky đông đúc sẽ được tiếp nhận nhiều chương trình, dự án về xây dựng hạ tầng để người dân Hà Nhì càng thêm yêu đất, cuộc sống của người Hà Nhì mặc sức sinh sôi.

Chia tay bản Tả Ko Ky sau cái bắt tay thật chặt, thôn đội trưởng Mạ Khóa Tư cùng chị Lý Xé Cà cứ dặn mãi: Nếu lần sau chị về bản mình phải "ăn" rượu, ngủ lại thăm bản nhá. Và câu "chốt hạ" của anh Mạ Khóa Tư nghe thật "bài bản": "Chị viết về bản mình, nhớ kể khổ, khổ thật cho người ta về làm đường, làm trường học... nhá". Tôi hiểu đó không chỉ là mong muốn của anh Mạ Khóa Tư mà còn là niềm ước mơ cháy bỏng, chính đáng của những người Hà Nhì trên miền biên ải xa xôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người Hà Nhì giữ đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.