Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người già, trẻ nhỏ “đổ bệnh” vì nắng nóng

Theo (Báo Tin Tức/Vietnam+)| 17/06/2010 10:55

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài, với nền nhiệt độ cao, có lúc lên tới hơn 40 độ C đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân.

Tại nhiều bệnh viện, số lượng bệnh nhân, nhất là người già và trẻ nhỏ, phải tới khám điều trị tại các cơ sở y tế tại Hà Nội đều tăng hơn so với thường lệ.

Quá tải bệnh nhân nhi

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những ngày nắng nóng gần đây, Bệnh viện khám tới khoảng 1.800-2.000 bệnh nhân, trong khi đó ngày thường chỉ có khoảng 1.200 bệnh nhân. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là mức tăng đột biến, vì đỉnh điểm trong năm 2009 lên tới 2.500 bệnh nhi đến khám/ngày.

Số lượng bệnh nhi tăng mạnh, trong khi đi cùng mỗi cháu bé thường có 2-3 người nhà đi kèm, bởi vậy khu khám bệnh ngoại trú của Bệnh viện Nhi Trung ương càng trở nên chật chội hơn.

Tại bệnh viên, kẻ đứng người ngồi, các bà mẹ ôm con đợi đến lượt khám chật kín cả lối đi, một số bà mẹ còn trải cả chiếu, cho con nằm ngủ dưới đất để chờ khám, hoặc chờ lấy kết quả xét nghiệm.

Khi được hỏi: “Tại sao không đưa trẻ đi khám vào buổi chiều để khỏi phải chịu cảnh quá tải?” Các bà mẹ đều phân trần rằng trẻ mắc bệnh, chưa biết nặng nhẹ thế nào, do vậy, phải đưa các cháu đi khám bệnh vào buổi sáng, phòng khi các cháu còn phải chụp phim, làm xét nghiệm...

Rời khu khám bệnh ngoại trú, chúng tôi tìm đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi “hội tụ” đủ mặt bệnh truyền nhiễm mà trẻ hay mắc theo mùa.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, hiện tại, Khoa có 62 giường bệnh, nhưng đang điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, trong đó có 33 ca viêm não, số còn lại là viêm phổi virus, thủy đậu, quai bị... Trong 33 ca viêm não có 8 ca là bị viêm não Nhật Bản, đến từ các tỉnh miền Bắc, đa số bệnh nhi chưa được tiêm phòng đủ cả 3 mũi vắcxin viêm não Nhật Bản.

Những ngày nắng nóng này, số trẻ tới khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tăng khoảng 20-30%, tập trung vào các bệnh như sốt virus, viêm phổi, viêm não, rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân là khi nhiệt độ tăng cao sẽ tạo điều kiện cho virus phát triển, cơ thể trẻ dễ sinh bệnh do hít phải lượng virus tăng cao có trong môi trường.

Bệnh nhân cao tuổi tăng vọt

Do thời tiết nắng nóng gay gắt, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tăng cao, cá biệt có ngày lên tới 500 bệnh nhân. Điều đáng lưu ý là ngoài những bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, suy động mạch vành...), xương khớp (loãng xương và thoái hóa khớp)... đã có một số trường hợp bệnh nhân nhập viện do bị say nắng, giãn mạch, tụt huyết áp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong đợt nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân tai biến mạch máu đến khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương có xu hướng tăng lên và đã có trường hợp bị tử vong. Khi đến bệnh viện, những bệnh nhân này ở trong tình trạng huyết áp cao.

Do vậy, trong những ngày nắng nóng, các bệnh nhân mắc bệnh huyết áp dù có uống đủ thuốc điều chỉnh huyết áp cần phải lưu ý giữ gìn sức khỏe, tránh tình trạng huyết áp mất kiểm soát do thời tiết quá nắng, nhiệt độ tăng cao.

Những điều nên biết trong những ngày nắng nóng:

Trong trường hợp xảy ra say nắng, với các triệu chứng ban đầu như xuất hiện chuột rút, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi rã rời, khó thở, choáng váng... thì cần cấp cứu nạn nhân ngay bằng cách đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, đặt đầu bệnh nhân thấp và cho gác chân lên cao, nới lỏng quần áo, chườm mát, dùng khăn ướt lau người, cho uống orezon, nước mát để giải nhiệt.

Tuyệt đối không cho người say nắng uống nước lạnh, nước đá vì gây cản trở sự hấp thụ muối.

Cần đưa nạn nhân đi bệnh viện ngay nếu tình trạng bệnh không cải thiện, tránh để say nắng nặng, thân nhiệt lên tới 40-41độ C, thở gấp, mạch nhanh, có cảm giác choáng, buồn nôn, sợ ánh sáng, có thể bị ngất, hôn mê hoặc nửa hôn mê, nhịp tim yếu và dẫn đến tử vong.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người già, trẻ nhỏ “đổ bệnh” vì nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.