(HNMO) - Gần 20 năm theo chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Hồng (sinh năm 1947) cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của Đại tướng lúc sinh thời.
Đại tá Trần Hồng xem lại những bức ảnh tại nhà riêng. |
Cái duyên theo chân Đại tướng
Gặp ông trong căn phòng nhỏ với cơ man là sách, ảnh của gia đình tại số 3 Đường Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cầm những tấm ảnh chân dung Đại tướng trên tay, vừa lật, ông vừa kể về cái duyên được theo chân Đại tướng và những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm máy.
Trần Hồng sinh ra và lớn lên ở (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nhập ngũ năm 1968. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp đại học (chuyên ngành nhiếp ảnh), ông được nhận vào làm phóng viên ảnh tại Báo Quân đội nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đứng đầu quân đội nên phóng viên báo quân đội thường xuyên được tiếp xúc với Đại tướng. Ông nhớ lại lần đầu chụp ảnh Đại tướng trong sự kiện trao trả tù binh tại sân bay Gia Lâm: “Khi đó, tôi là một phóng viên mới vào nghề nên có đôi chút hồi hộp, lo lắng. Nhưng sau vài phút được tiếp xúc với Đại tướng, sự lo lắng trong tôi đã tan biến”.
Bức ảnh bữa cơm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Là một người mê chụp chân dung, sau lần chụp ảnh đó, hình ảnh vị tướng giản dị, gần gũi và khiêm nhường đã thôi thúc ông tiếp cận để chụp thêm nhiều bức ảnh hơn nữa. Năm 1992, ông mở một triển lãm ảnh tại Trung tâm triển lãm Tràng Tiền, Hà Nội. Đại tướng đã đến dự, khi xem xong những bức ảnh, Đại tướng rất vui và dành cho ông một nụ cười thay cho lời khen ngợi. Nhưng đó vẫn chưa phải là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm máy của ông.
“Vào buổi chiều tháng 10-1994, tôi xin vào chụp ảnh Đại tướng và thư ký của ông đã từ chối.Tôi định ra về thì Đại tướng xuất hiện và đồng ý cho tôi vào chụp, sau đó Đại tướng nói với ông Nguyễn Huyên (trợ lý của Đại tướng) là, để nhà báo Trần Hồng vào gặp và chụp ảnh ông bất cứ lúc nào cũng được”. Đại tá Trần Hồng vui mừng kể lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời khi nhận được sự ưu ái của Đại tướng dành cho mình.
Bức ảnh “Nhớ Bác” Đại tá Trần Hồng tâm đắc nhất. |
Thế là cánh cửa lớn nhất và vinh quang nhất đối với ông đã được mở. Từ thời khắc đó, mọi hoạt động của Đại tướng, đặc biệt là những sinh hoạt đời thường, ông đều được tiếp cận một cách cụ thể, chi tiết và ở nhiều góc độ khác nhau. Ông chia sẻ: “Để ảnh chân dung toát lên được cái thần của nhân vật, bộc lộ được người trong ảnh là ai, làm gì, trong bối cảnh nào, nhân cách ra sao… là điều rất khó. Trong khi chụp ảnh Đại tướng, để lột tả được nét thần thái, tài hoa xen lẫn với giản dị và khiêm nhường của ông, tôi phải cẩn thận từng thao tác”.
Giọt nước mắt đời cầm máy
Gần 20 năm theo Đại tướng, ông đã ghi được những hình ảnh lột tả một cách chân thực nhất về cuộc sống, tình cảm, cảm xúc của vị tướng tài hoa. Được chụp ảnh Đại tướng, với Trần Hồng “Như được chụp cả một thời hào hùng của dân tộc”. Đại tá Trần Hồng kể: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống giản dị, ông giản dị trong từng bữa ăn. Lúc đó, tôi đã có cấp bậc Trung tá, cũng nghèo nhưng thấy bữa ăn của mình còn ... sang hơn của Đại tướng”.
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên con cháu trong ngày rằm Trung thu. |
Nhớ về khoảnh khắc chụp bức ảnh bữa cơm gia đình Đại tướng vào tháng 10 năm 1994, ông không kìm nổi những giọt nước mắt: “Hôm đó, tôi chứng kiến những cử chỉ rất cảm động của vợ chồng Đại tướng. Mâm cơm trắng hết sức đạm bạc với hai quả trứng, bà nhường ông, ông nhường lại bà, hai quả trứng cứ đẩy đi đẩy lại. Ông thì nói: “Em ăn đi”, còn bà lại nói “Thôi anh ăn đi để có sức”. Hai ông bà dành cho nhau sự quan tâm đặc biệt”.
Khi được hỏi về bức ảnh tâm đắc nhất trong cuộc đời chụp chân dung Đại tướng, Đại tá Trần Hồng chia sẻ: “Đó là bức ảnh “Nhớ Bác” được chụp khi Đại tướng đứng bên bức tượng Bác Hồ bằng gỗ ở trong văn phòng, khi ấy Đại tướng đang rất buồn. Tôi đã chụp 3 kiểu, định chụp kiểu thứ 4 thì ống kính đã nhòa lệ vì nhìn thấy những giọt nước mắt của Đại tướng”.
Xem ảnh của Đại tá Trần Hồng, hầu hết công chúng đều tấm tắc khen ngợi, bởi chúng có những nét độc đáo riêng... Ông chụp Đại tướng nhưng luôn hướng đến những khoảnh khắc bình dị, đời thường nhất. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho một "thợ chụp ảnh" như ông, khi nhân vật là vị tướng đứng đầu quân đội của một quốc gia, hình ảnh phải chuẩn mực, giữ được tác phong quân nhân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi đàn piano tại nhà riêng. |
Suốt mấy chục năm làm việc không biết mệt mỏi, ông không còn nhớ chính xác mình đã chụp bao nhiêu bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã có nhiều người hỏi ông rằng, tại sao anh lại chụp nhiều ảnh Đại tướng đến vậy, có phải vì mục đích thương mại hay một mục đích nào khác. Đại tá Trần Hồng đáp lại bằng một câu nói rất đỗi bình dị: “Tôi chụp cho tôi và vì tôi…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.