(HNMO) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, vào ngày 10-12 tới, Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Covid-19. Vậy, việc thử nghiệm vắc xin Covid-19 lâm sàng trên người sẽ được tiến hành ra sao và người được tuyển chọn tham gia thử nghiệm phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Tiến hành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng
Ngày 7-12, theo tin từ Học viện Quân y, tại đây đang xây dựng kế hoạch tuyển tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19. Sau khi xây dựng kế hoạch cụ thể, Học viện Quân y sẽ đăng thông tin rộng rãi để tuyển chọn, tìm kiếm cộng tác viên tham gia chương trình.
Quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 trên người chia làm 3 giai đoạn. Dự kiến, trong giai đoạn 1 sẽ tiêm thử nghiệm cho 40 người trong nhiều độ tuổi (từ 18 đến 60 tuổi). Những tình nguyện viên tham gia sẽ được chia thành 3 nhóm để tiêm hàm lượng vắc xin khác nhau, gồm: 25mg, 50mg và 75mg. Toàn bộ quy trình thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ kéo dài trong một tháng. Giai đoạn 2, thử nghiệm trên quy mô 600 người, trong thời gian từ 2-3 tháng. Giai đoạn 3 được thực hiện gối tiếp, hiện chưa rõ số lượng tình nguyện viên.
Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Công nghệ đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết, trước khi tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng, các tình nguyện viên sẽ được khám sức khỏe, khai thác kỹ về tiền sử sức khoẻ. Những người được lựa chọn phải bảo đảm khỏe mạnh, không có bệnh nền. Để tránh những phản ứng gặp phải sau khi tiêm vắc xin, những người có cơ địa dị ứng (với thuốc, thực phẩm...) sẽ không tham gia tiêm thử nghiệm. Việc tuyển dụng tình nguyện viên, khám sàng lọc mất ít nhất 7 ngày. Do đó, dự kiến đến ngày 17-12 sẽ bắt đầu tiêm mũi thử nghiệm đầu tiên.
Các tình nguyện viên sẽ được các bác sĩ của Học viện Quân y tiêm tại đơn vị thử nghiệm lâm sàng và ở lại viện để theo dõi sức khỏe.
Trong nhiều tháng qua, vắc xin Covid-19 đã được Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu tiền lâm sàng (trên chuột, khỉ) cho kết quả an toàn và có đáp ứng miễn dịch. "Nếu mọi việc thuận lợi, đến khoảng tháng 4-2021 sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19. Dự kiến, từ tháng 5-2021 có thể đưa vào tiêm cho người dân", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen Hồ Nhân nói.
Nỗ lực để Việt Nam sớm có vắc xin Covid-19
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, trong tuần này, hội đồng chuyên môn sẽ họp và quyết định liều tiêm thử nghiệm nào là tối ưu. Khi có 50% dữ liệu của giai đoạn 1 sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn tiếp theo. "Công nghệ sản xuất vắc xin của Nanogen đang làm dựa trên protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào bộ gen để sản sinh ra kháng thể. Điều này khác hoàn toàn với việc dùng kháng thể (tức dùng vi rút bất hoạt hoặc vi rút sống). Do đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học, đánh giá là rất an toàn", Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang nói.
Cùng với Nanogen, 3 đơn vị còn lại là Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) cũng đang khẩn trương để đưa vắc xin Covid-19 ra thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến, tháng 2-2021, vắc xin của IVAC sẽ được tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng và đến tháng 3-2021 đến lượt vắc xin của Vabiotech.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các đơn vị sản xuất cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có được vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt. Người đứng đầu ngành Y tế cũng bày tỏ quan điểm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc xin và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen có thể sản xuất 30 triệu liều vắc xin Covid-19 mỗi năm với giá thành ước tính khoảng 100.000 đồng/liều. Mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau nửa tháng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tiêm ít nhất được 20-40% dân số thì đạt tính an toàn về dịch tễ. Với Việt Nam, theo tỷ lệ này, nếu 20-40 triệu người được tiêm thì có thể an toàn cho cộng đồng.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.