(HNM) - Năm nay, lần đầu tiên hơn 17 triệu bản lịch bloc được dán tem chống giả công nghệ kỹ thuật số. Thật ra, năm ngoái lịch bloc cũng đã được chống làm giả với một loại tem có phân biệt bằng cảm quan.
Công nghệ kỹ thuật số ở tem chống giả trên lịch bloc năm nay thực chất là mỗi bản lịch có một mã số an ninh riêng gồm 16 chữ số nằm dưới một lớp phủ bạc. Muốn kiểm tra thật giả, người mua cào lớp phủ bạc lấy mã số an ninh để nhắn tin, gọi điện hay truy cập internet theo hướng dẫn ngay trên tem. Kết quả sẽ được trả lời sau đó ít phút, nếu "đúng" thì sản phẩm đó là chính hãng, "sai" thì sản phẩm có khả năng là hàng giả. Cục Xuất bản, đơn vị phối hợp thực hiện công nghệ này và Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam khẳng định đây là biện pháp chống giả ưu thế nhất hiện nay đối với cả nhà quản lý lẫn người tiêu dùng.
Văn hóa phẩm bị làm giả luôn luôn là sản phẩm được in bằng giấy, mực chất lượng kém hơn, thông tin dễ bị sai lệch. Trong khi mỗi cuốn lịch hiện đang dần trở thành một sản phẩm văn hóa đúng nghĩa, không chỉ có ngày tháng mà còn bổ sung nhiều thông tin phong phú về các lĩnh vực. Làm giả một cuốn lịch là đẩy người mua vào tình trạng thiệt đơn thiệt kép. Nhưng nói tem chống giả công nghệ hiện đại trên có thể chấm dứt tình trạng in lậu lịch thì không hoàn toàn đúng.
Người mua băn khoăn, sau khi mất công, tốn chút phí (đối với tin nhắn là 500đ/SMS, với điện thoại là 500đ/phút) để kiểm tra, trường hợp phát hiện hàng giả, vấn đề sẽ được giải quyết ra sao? Cục Xuất bản và đơn vị thực hiện (Trung tâm Tư vấn thông tin DAC) đều cam kết hỗ trợ người mua trong mọi trường hợp phát hiện hàng giả. Hành vi làm giả lịch sẽ bị xử phạt theo quy định của luật pháp, mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Mới đây, để thu hút công chúng sử dụng lịch của các NXB Việt Nam, đồng thời tham gia vào cuộc chiến chống lịch giả, Cục Xuất bản đã phối hợp với các đơn vị tổ chức quay số trúng thưởng bằng chính mã số trên lịch bloc. Có thể nói, dù công nghệ chống giả hiện đại đến đâu, nhưng hàng giả không bị phát hiện thì công nghệ không nghĩa lý gì. Chỉ khi người mua tuyên chiến với hàng giả thì đó là lúc giới làm lậu phải coi chừng.
Lại nhớ đến diễn biến mới đáng nói của việc chống sách lậu như in lời khuyến cáo "Mua sách giả là giết chết sách thật", rồi xây dựng mô hình nhà sách có bản quyền, khuyến khích bạn đọc mua sách thật. Nhiều đơn vị làm sách còn "tự mình cứu mình" bằng cách phát hiện các điểm in lậu sách của mình, phối hợp với quản lý thị trường bắt giữ đối tượng làm giả…
Mong sao không chỉ lịch, sách mà nhiều văn hóa phẩm khác sẽ có thêm các phương thức chống giả quyết liệt hơn. Còn người mua, xin chớ thờ ơ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.