(HNM) - Đó là nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi nói về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tình hình, kết quả thực hiện giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp tại hội nghị giao ban với các địa phương và sở, ban, ngành thành phố ngày 29-3-2018.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ này thì các cấp, ngành “cần tiếp tục công khai, minh bạch chính sách giao đất dịch vụ đến người dân để tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, “lấy việc bàn giao đất dịch vụ cho người dân diễn ra ngày nào sớm ngày ấy là mục tiêu để làm cho công tác quản lý đất đai tốt hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn”.
Công khai, minh bạch, tạo đồng thuận trong nhân dân là yếu tố cốt lõi để hoàn thành nhiệm vụ. Trên thực tế, khó khăn trong giải quyết vấn đề đất dịch vụ ở Hà Nội vẫn còn những nguyên nhân xuất phát từ vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như cách thức thực hiện.
Tính từ sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 và UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 11-10-2016 để triển khai thực hiện, đến giữa tháng 3-2018 công tác xét duyệt, giao đất dịch vụ đạt được gần 58%. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân trước ngày 30-9-2018.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn thành phố mới thực hiện giao đất dịch vụ đạt 65%. Một số địa phương có tỷ lệ đạt thấp do còn vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách chưa được giải quyết dứt điểm, điển hình như quận Hà Đông và huyện Mê Linh…
Có thể khẳng định, nếu cứ kéo dài thời gian giao đất dịch vụ sẽ khiến người dân gặp khó khăn do thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh trong khi đất đai lại bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực. Chưa kể, tình trạng mua bán tự do đất dịch vụ trong dân gây khó khăn cho công tác quản lý. 35% đất dịch vụ chưa hoàn thành bàn giao tuy nhỏ hơn con số đã hoàn thành, nhưng hầu hết lại là những trường hợp khó, còn vướng mắc. Chính vì vậy thái độ và cách thức triển khai của các cấp, ngành là đặc biệt quan trọng.
Lúc này, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo quyết liệt, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động người dân phối hợp, thực hiện nghĩa vụ của mình. Công khai, minh bạch thông tin, quy định, quy trình, thủ tục đến cá nhân, hộ gia đình để thực hiện; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng; tổ chức giao đất ngay đối với các diện tích đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho những trường hợp đủ điều kiện.
Nhiệm vụ này phải coi đây là cấp bách, tập trung làm tốt. Từ đó, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch, phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thực hiện, chủ động làm việc với các sở, ngành để có phương án tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn, tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phục vụ kịp thời nhiệm vụ giao đất dịch vụ.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đi liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận của nhân dân; khuyến khích và tạo cơ chế để người dân tự nguyện nhận tiền thay bằng giao đất dịch vụ với các địa phương thiếu quỹ đất...
Việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất dịch vụ là một đòi hỏi từ thực tế mà các cấp, ngành liên quan phải quyết liệt tháo gỡ, không để "lỗi hẹn" người dân thêm nữa. Như lời đồng chí Bí thư Thành ủy, cùng với vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì “hai vấn đề này là món nợ lớn cần tập trung giải quyết” và sẽ giải quyết được khi “người đứng đầu quyết liệt”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.