(HNMO) – Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, Chủ tịch UBND các cấp, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng, chủ hộ gia đình có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC theo quy định.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có Chỉ thị nêu trên đến thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các quận-huyện và phường-xã, thị trấn, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.
Năm 2015, TP Hồ Chí Minh siết chặt hơn nữa các quy định về phòng chống cháy nổ trên địa bàn. |
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân; làm tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia PCCC và bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội PCCC cơ sở.
Đồng thời, người đứng đầu các đơn vị đó cần chủ động nghiên cứu các giải pháp, phương án di dời hoặc cải tạo các cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC và điều kiện thoát nạn; đề xuất trang bị phương tiện, vật tư hiện đại; tăng cường quản lý về an ninh trật tự và PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…
Mặt khác, UBND các quận-huyện có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC; tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ nằm xen kẽ trong khu dân cư để có phương án xử lý thích hợp.
Các quận, huyện có khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần xây dựng quy trình chuyển hóa thành khu dân cư an toàn về cháy, nổ; xây dựng phường, xã điểm an toàn về PCCC. Đặc biệt, từ nay đến năm 2018, các quận, huyện chưa có đơn vị Cảnh sát PCCC, cần khẩn trương triển khai xây dựng xong Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện. Đối với quận, huyện có diện tích lớn, bán kính hoạt động của đơn vị Cảnh sát PCCC trên 5km cần đầu tư xây dựng thêm các Đội Cảnh sát PCCC.
Ngoài ra, Tổng Công ty điện lực thành phố cần có kế hoạch duy tu, cải tạo nâng cấp mạng lưới điện công cộng, hệ thống điện tại các khu dân cư; tổ chức kiểm tra các trạm biến áp, cáp dẫn, dây dẫn điện trên địa bàn; tổ chức dịch vụ kỹ thuật để phục vụ cho nhân dân khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người sử dụng các thiết bị điện. Song song, cần hướng dẫn các đối tượng tiêu thụ, sử dụng điện các biện pháp an toàn PCCC trong sản xuất và sinh hoạt.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.426 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu hộ, cứu nạn; làm chết 31 người, bị thương 34 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 45 tỷ đồng. Đối tượng xảy ra nhiều sự cố nhất là nhà dân chiếm 50,5%. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố và vi phạm quy định trong sử dụng điện, chiếm gần 48%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.