Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dọn rác hồ Hữu Tiệp

Thanh Thủy| 12/06/2016 05:46

(HNM) -



Ông Đỗ Sáng Luyện (tổ dân phố 22, khu 3, phường Ngọc Hà, Ba Đình) đã trả lời như vậy khi được hỏi về công việc ông đã và đang "buộc mình" làm suốt mấy chục năm qua: Ngày ba lần thu gom rác thải, gìn giữ vệ sinh môi trường cho Khu di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp.

Ông Đỗ Sáng Luyện vớt rác trên hồ Hữu Tiệp.


Ông già làm việc... "trời ơi"

Nhắc đến hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), nhiều người dân Thủ đô nhớ tới Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không với sự kiện quân dân Thủ đô bắn rơi chiếc máy bay B52 của Mỹ xuống hồ. Cũng bởi vì thế, hồ này còn có thêm tên gọi không chính thức là "hồ B52". Không chỉ vậy, di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp còn được biết đến với một câu chuyện khác, không phải chiến công hiển hách, nhưng vẫn đủ sức lay động lòng người. Đó là việc làm bình dị của ông già vớt rác bên hồ - cựu chiến binh Đỗ Sáng Luyện - người được bà con trong phường quý mến gọi là: Ông già ưa việc "trời ơi".

Mà đúng là việc "trời ơi" thật! Từ ngày hồ Hữu Tiệp còn là bờ lau cỏ dại, rợn ngợp hoa súng, hoa sen cho tới khi hồ được kè đá, dựng tường gạch bao quanh, đã ngót 20 năm, ông Luyện tự nguyện bỏ công sức thu dọn rác thải quanh hồ, giữ cho khu di tích sạch đẹp. Rác ở đây, chỉ tính riêng lá, cây, cành... rơi quanh hồ đã quá sức, chưa nói đến lượng rác sinh hoạt do những người dân vô ý thức hằng ngày quăng xuống. Ông Luyện kể: Được chứng kiến khoảnh khắc máy bay B52 bị bắn hạ trên hồ này, tôi hiểu giá trị lịch sử của hồ Hữu Tiệp và muốn làm một điều gì đó để gìn giữ, bảo vệ những giá trị ấy. Tôi vớt rác ở hồ này đã nhiều năm, vấn đề là ý thức người dân chưa cao nên bịch to, bịch nhỏ rác thải vẫn thả xuống hồ. Không ít lần, gặp người định quăng rác, tôi vội chạy đến hô to, "để trên bờ cho bác" nhưng không phải lúc nào cũng "gặp may" được thế đâu!

"Rác quăng xuống hồ, chỉ một lúc là ngấm nước, kéo được vào bờ rất mất công..." - ông Luyện tiếp mạch chuyện: "Như thế vẫn không hãi bằng người ta quăng xác động vật xuống, một vài ngày sau mới nổi trương trên mặt hồ. Mỗi lần gặp "rác" kiểu này, tôi khiếp lắm! Vừa hôi, vừa nặng, phải kê bao tải mới kéo lê được loại rác này tới chỗ bỏ. Nhiều lần ướt, bẩn hết người, vài ngày sau chưa hết sợ".

"Chưa hết sợ nhưng việc đã làm thì không bỏ", tâm niệm ấy thôi thúc ông tiếp tục công việc "dã tràng xe cát" của mình. Từng ngày cần mẫn đi quanh hồ Hữu Tiệp thu gom rác, nhắc nhở mọi người gìn giữ môi trường, cảnh quan. Nhiều người ủng hộ việc làm của ông đã ý thức hơn trong việc thu gom, tiêu hủy rác, nhưng cũng vẫn còn không ít người hậm hực, cự cãi, thậm chí "bỏ ngoài tai" lời "ông già lắm chuyện". Hồ Hữu Tiệp, vì thế, dù đã sạch đẹp hơn, vẫn không thiếu việc để ông phải lo toan. Ông Luyện đau đáu: Tôi chỉ có thể thu gom rác theo giờ chứ không thể ngồi canh suốt ngày, suốt đêm được. Đêm tôi còn phải ngủ... ngày còn có việc nhà, rồi chăm bà nhà bị bệnh... Tuổi tôi cũng cao rồi, trời cho mạnh khỏe ngày nào, mừng ngày đó thôi. Phường Ngọc Hà rất rộng, lại đông dân cư, người tứ xứ về đây ở trọ cũng nhiều khiến việc giữ vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường cũng có nhiều cái khó. Chỉ riêng cái hồ này, dù có biển "cấm đổ rác" nhưng người dân vẫn vô tư coi như không. Có lúc tôi vừa mới thu dọn xong, quay đi người ta đã đổ cả xô vàng mã xuống, tro nổi váng cả một vùng... sao người ta không để tâm một chút nhỉ? Có khó nhọc gì đâu?

Một bông hoa đẹp giản dị

Công việc dọn rác không công quanh Khu di tích hồ Hữu Tiệp của ông Đỗ Sáng Luyện đã kéo dài suốt nhiều năm nên sẽ chẳng ngoa khi nói không ai rành về hướng gió cũng như "kỹ năng" lợi dụng sức gió để thu gom rác tại khu vực này như ông. Cũng bởi tranh thủ hướng gió mà bất kể nắng vàng sân gạch hay giá rét căm căm, cứ đúng giờ "thuận" là ông vác đồ nghề ra hồ. Hình ảnh một ông già bất kể ngày nắng hay mưa gió, lui cui vớt rác quanh hồ Hữu Tiệp đã khắc đậm trong tâm trí người dân khu vực này. Nhiều người thấy ông vớt rác giữa trưa nắng, động lòng: "để chiều mát hãy làm, rác có đi mất đâu", những lúc đó ông lại kiên nhẫn giải thích việc làm của mình vào lúc này không phải là vô lý, là tốn công, vô ích.

"Những ngày nắng không nói làm gì, ngày mưa to, gió lớn mới cực. Khoác cái áo tơi vào người, gió thổi, tưởng bay cả người xuống hồ. Có lúc định không đi, nhưng đi tới, đi lui trong nhà lại thấy lo vì thời điểm này mới là lúc rác được đẩy tập trung vào bờ nhiều nhất. Rác sẽ dựa sức nước, nổi lên, tràn bờ gây tắc cống rãnh, ngập úng ngõ xóm thì sao... thế là vác vợt lên đường!".

"Có lúc vất vả, khó nhọc là để có những ngày vui. Ấy là khi bà con cùng để tâm, nhắc nhở canh chừng giúp những khi có người bỏ rác vô ý thức, nói đỡ cho mấy câu khi người ta tranh luận với tôi chuyện bỏ rác lung tung. Hay, những khi xong việc, được ngả lưng vào thành hồ, thư thái ngắm nhìn thành quả, tôi thấy thích lắm, vui lắm! Ngày nào không ra hồ là tôi lại thấy nhớ, thấy lấn cấn chân tay".

Những đợt địa phương có chiến dịch tuyên truyền cổ động gìn giữ vệ sinh môi trường hay thanh niên ra quân làm sạch hồ Hữu Tiệp cũng là lúc ông Luyện mừng vui nhất. Nhìn ông khấp khởi mang vác đồ nghề, dụng cụ hỗ trợ các đoàn thể, người dân như có thêm niềm vui và động lực. Cô Nguyễn Thị Hòa (tổ dân phố 22) kể: Mỗi đợt phường có chiến dịch vệ sinh cho Khu di tích hồ Hữu Tiệp là chúng tôi lại thấy mừng cho ông vì ngày hôm sau việc thu gom, dọn rác sẽ nhẹ hơn nhiều. Nhiều năm nay nhân dân trong phường bình bầu ông là người tốt việc tốt mà chúng tôi đều thấy ông xứng đáng với danh hiệu ấy.

Tôi nhẩm tính: Cứ mỗi ngày 3 lần dọn rác, hai mươi năm qua, ông đã đi được hai mươi mốt nghìn, chín trăm vòng hồ và lượng rác ông vớt lên chắc cũng chẳng ít đâu. Ông nói: Đi là đi, dọn là dọn thôi, công sức mình bỏ ra rồi cũng thu về thành quả. Lững thững theo ông vào "ca" làm việc mới, nghe ông thuật lại câu chuyện về lịch sử di tích, chiến công của quân dân Thủ đô, chuyện bảo vệ, gìn giữ môi trường hồ Hữu Tiệp, ước mong tìm người thay thế mình khi không thể tiếp tục công việc dọn rác bên hồ này... tôi thêm kính trọng việc làm của ông, phần việc dẫu nhỏ bé, giản dị nhưng đủ sức lan tỏa tới mỗi con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dọn rác hồ Hữu Tiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.