Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đấu trí với tử thần trên cầu Chương Dương

Triệu Dương| 25/01/2012 06:37

(HNMCT) - Có thể nói Thượng tá Lê Đức Đoàn-Đội CSGT số 1 là cuốn “từ điển sống” trên cầu Chương Dương. Những quy luật biến đổi phương tiện ở 2 bên bờ sông cũng như biện pháp phòng ngừa hóa giải ùn tắc đã được anh nằm lòng.


Cũng ở nơi này, trong hơn 15 năm qua, anh đã lặng lẽ chứng kiến không biết bao nhiêu buồn vui, những thay đổi của bao người đi qua cây cầu. Bản thân Thượng tá và đồng đội đã trực tiếp cứu sống rất nhiều nạn nhân của những cuộc tự tử bất thành. Người dân yêu mến gọi anh bằng cái tên nghe thật lạ: “Người ngăn cái chết trên cầu Chương Dương”.



“Thương hiệu” trên cầu


Giữa trung tuần tháng 11, một ngày sương giăng mù mịt khắp sông Hồng, đứng ngay cạnh nhau mà còn nhìn không rõ mặt, đang trực tại chốt giao thông phía Nam cầu Chương Dương nhận được tin báo của quần chúng về một thanh niên có ý định trèo qua lan can cầu Chương Dương để lao xuống dòng nước sông Hồng, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 đã kịp thời có mặt tại trụ số 7 khu vực xảy ra sự cố. Lúc này dù được sự can ngăn của người đi đường và lực lượng chức năng nhưng thanh niên trên vẫn quyết chí buông tay khỏi lan can cầu gieo mình xuống dòng nước xiết. Nhưng ý định tự tử này đã không thành khi Thượng tá Lê Đức Đoàn đã nhanh trí đứng từ trên lan can cầu cao hàng chục mét hét gọi một chiếc thuyền chài cách vị trí cầu Chương Dương 100m quay lại cứu người. Rồi sau đó, nhanh chóng triển khai đội hình cứu hộ gồm nhiều người dân chài trên chiếc thuyền vừa được trưng dụng, Thượng tá Lê Đức Đoàn cùng nhiều người dân tốt bụng đã vớt được thanh niên trên từ dưới sông Hồng đưa lên bờ và tiến hành hô hấp nhân tạo, lấy lại hơi thở cho anh này. Tỉnh lại tại tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Nguyễn Bá Quyên (SN 1985) ở Cao Viên, Thanh Oai cảm động rơi nước mắt khi biết người sinh ra mình lần thứ 2 là người CSGT được yêu thích nhất trên cộng đồng Internet – Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1. Còn người dân chài có nghĩa cử cao đẹp bất chấp lời nguyền sông nước, cùng Thượng tá Đoàn cứu sống Quyên thì tâm sự: “Đấy là tôi nể phục uy tín người cán bộ CSGT đó mới bất chấp lời nguyền sông nước để sẵn sàng cứu người. Việc làm của người dân sông nước chúng tôi bước qua lời nguyền cũng đồng nghĩa với cả gia đình treo niêu khi thủy thần không cho cá tôm hàng ngày nữa”… Đó chỉ là một trong hàng trăm nghĩa cử mà người CSGT ấy đã lặng thầm cống hiến trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình mà tôi và nhiều người dân Thủ đô đã may mắn được chứng kiến.

Ngày nào cũng vậy, trên đường tới cơ quan phải qua cầu Chương Dương, tôi đều gặp anh. Chốt ở đầu nam cầu, bất kể mùa đông lạnh tái tê hay cái nóng oi bức của mùa hè thì trông anh cũng vẫn chẳng khác đi là mấy, trừ bộ quân phục dầy mỏng theo mùa. Vẫn khuôn mặt đen sạm, cái miệng luôn thường trực nụ cười rất riêng mà như nhiều người khen anh đó là “nụ cười thuốc lào”, anh khiến người đối diện phải nhớ tới bằng sự hóm hỉnh với những câu chuyện tếu táo đến lạ. Đã nhiều lần tôi gạn hỏi anh rằng: sao hàng ngày đơn vị của anh lại bố trí anh - một “bô lão” chốt chặn tại một nút giao thông được xem là quan trọng bậc nhất của Thủ đô mà không phải ở nơi nào khác. ở 2 bên đuôi mắt đã bắt đầu hằn vết chân chim, anh chỉ cười. Cũng câu hỏi này, khi nói chuyện mấy chiến sỹ trẻ của đơn vị cứ đùn đẩy nhau thầm thì với tôi rằng: “Lo” nhất vẫn là khi cấp trên giao cho trực ở cầu Chương Dương”. Khi thấy tôi đem thắc mắc ấy đến hỏi, Trung tá Nguyễn Văn Tòng-Đội trưởng Đội CSGT số 1 không giấu được niềm tự hào: “Đơn vị đã sàng lọc, chọn lựa kỹ lắm nhà báo ơi. Trong việc điều hành giao thông và cứu người thì “gừng càng già càng cay”, mà đồng chí Đoàn đội mình thuộc hàng “bô lão” nhưng còn khỏe lắm!”.

Cái ý “càng già càng cay” ấy mà Trung tá Tòng tâm sự với tôi về anh đã được chính bản thân Thượng tá Đoàn khẳng định như một “thương hiệu” bằng công việc của bản thân trong hơn 30 năm nay. Được giao một vị trí đảm bảo giao thông ở một điểm cực kỳ quan trọng, nơi trung bình một ngày có hàng vạn lượt người và phương tiện đi qua, CSGT không có lúc nào được nghỉ ngơi nhưng việc giao thông bị ùn tắc hay xảy ra sự cố trên cầu trong ca trực của anh là điều rất hiếm gặp. “Bí mật” của anh nằm ở chỗ, anh đã hòa quyện nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm cùng sự phán đoán và phản ứng rất linh hoạt trong xử lý, phân luồng giao thông. Anh nằm lòng những lịch trình của các tuyến xe buýt, sự thay đổi về lưu lượng phương tiện trong từng thời gian và thậm chí là cả tâm lý của những trường hợp ra vào Thủ đô ở mỗi thời điểm khác nhau. Chỉ tay về phía những nhịp cầu nơi các phương tiện nối đuôi nhau ngược xuôi ra vào trung tâm thành phố, anh ví von độc đáo: “Giao thông của mình nó cũng giống như dòng nước chảy. Chỗ nào hẹp thì nước chảy ít nhưng gầm gào ghê lắm. Còn ở những đoạn rộng rãi thì hiền hòa, dịu dàng. Mình là CSGT thì nhiệm vụ phải biết điều tiết, dung hòa giữa đoạn hẹp và khúc rộng để cân bằng lưu lượng phương tiện, phòng ngừa không để xảy ra sự cố và TNGT”.

ấy là anh nói về phần lý thuyết chứ trên thực tế được anh vận dụng rất linh hoạt. Hình ảnh anh trưng dụng xe buýt, xe máy hay thậm chí là nhảy lên cả xe đạp rồi còng lưng lao vun vút ra giữa cầu để xử lý sự cố của các phương tiện đã trở thành “đặc sản” của anh. Sự hài hòa còn được anh hiện thực hóa cân bằng cái tình, cái lý trong xử lý vi phạm. Anh nói với tôi rằng, điều khiển giao thông ở các đầu cầu tính chất có rất khác so với tuyến phố nội đô. Chỉ cần cứng nhắc, không mềm dẻo trong khi xử lý là sự cố cũng có thể ảnh hưởng gây ùn tắc tới giao thông ở 2 đầu cầu. Ví như một người nông dân đèo con bằng xe máy ra Hà Nội để đi thi đại học có lỡ không biết đường mà vi phạm thì điều cần làm của CSGT là phải chỉ dẫn tận tình hay thậm chí là vẽ đường, viết địa chỉ ra giấy để cho họ biết, họ đi an toàn chứ không phải chăm chăm xử phạt lỗi. Để xử phạt thì CSGT cần soi, cân nhắc giữa “tình” và “lý” phải đi đôi với nhau mà theo anh, người Việt mình thì ai và ở đâu cũng vậy, vẫn trân trọng gìn giữ cái tình người vô cùng. Với những người dân kể trên là như vậy, anh cứ khề khà phân tích, giảng giải Luật và bỏ qua, chứ cái đám trẻ đầu xanh tóc đỏ nói năng nhăng cuội, vi phạm đủ lỗi, phóng xe vè vè trên cầu thì anh nhất quyết không tha. Chả thế mà đã rất nhiều lần tôi thấy anh tóm được mấy cậu thanh niên ngổ ngáo đi xe máy ngược chiều, vi phạm làn đường và không đội mũ bảo hiểm. Anh trị cho đến nơi đến chốn dù mấy cậu vi phạm có gọi hội mang cả đồ tới để hậm họe dọa dẫm hay móc túi lấy điện thoại “cầu cứu” người thân.

Đấu trí thắng “tử thần”

Chỉ cần tra trên google trong vòng 0,14 giây sẽ có tới cả trăm nghìn kết quả nói về anh-“Người ngăn cái chết trên cầu Chương Dương”. Còn anh thì không nhớ rõ mình đã từng cứu được bao nhiêu người tìm đến cầu Chương Dương để cố tình kết liễu cuộc sống của mình. Dẫn tôi đi dọc cầu Chương Dương, anh dừng lại ở nhịp cầu số 8 và số 9 nơi mà như anh nói là chỗ đứng của hầu hết các cô gái tìm đến đây tự tử. Nhìn xuống dòng sông Hồng mùa này nước đỏ quạch màu phù sa, cuồn cuộn chảy về Đông, bất giác tôi thấy rùng mình, hoa mắt khi thấy anh nói rằng, nếu ai gieo mình xuống sông ở độ cao này thì không bị gãy xương cũng dập nát lục phủ ngũ tạng, cơ hội sống là rất mong manh. Và cũng tại điểm cầu này, tôi đã nhiều lần chứng kiến anh “thuyết khách” khuyên nhủ nhiều cô gái dại dột ngồi vắt vẻo trên thành cầu từ bỏ ý định tự tử.

Đó là một buổi chiều không quên giữa trung tuần tháng bảy. Hình ảnh cô gái trẻ trong lúc bấn loạn từ từ bỏ tay ra khỏi lan can mà không ngờ thoắt chốc có cánh tay người sỹ quan CA nhoài người lao ra kéo trở về cuộc sống. Chưa hết, rồi người sỹ quan ấy còn phải vật lộn với chính “quyết tâm” chết của cô gái này mới có thể hoàn toàn kéo được cô gái dại dột lên trên thành cầu và đưa về chốt gác an toàn. Đầu óc mụ mị, cô gái chỉ ngồi khóc. Chỉ vì mâu thuẫn gia đình mà Trương B.L (tên nạn nhân), dù đã có 1 cô con gái kháu khỉnh lên 6 nhưng trong lúc quẫn trí muốn trầm mình xuống sông tìm đến cái chết. Sau nửa buổi chiều được động viên, cô gái này mới tỉnh ngộ, được Thượng tá Đoàn động viên đưa về nhà để kịp đón đứa con gái lúc này mới vừa đi học về đang chờ mẹ ở trước cửa nhà. Nhìn 2 mẹ con người phụ nữ vừa thoát khỏi cõi tử ôm chầm lấy nhau, đôi mắt hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ hỏi mẹ vì sao lại khóc, bất giác, người lính già đứng cạnh mắt cũng đỏ hoe.

Vĩ thanh

Đi giữa đời thường, Thượng tá Lê Đức Đoàn có thể nói là một người viên mãn trong cuộc sống với gia đình hạnh phúc và những đứa con trưởng thành. Đúng như câu thơ hào sảng một thời “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”, con trai lớn của anh hiện cũng đang công tác trong một đơn vị CSĐT – CATP với cấp bậc Trung úy. Con gái út cũng vừa thi đỗ Học viện Ngoại giao. Ngày 27/7 vừa qua nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT khi đến thăm gia đình người thuộc cấp đã xúc động bày tỏ: “Tấm gương nuôi dậy con cái trưởng thành và luôn vượt qua khó khăn xuất sắc hoàn thành công việc của đồng chí Lê Đức Đoàn sẽ là tiêu chí phấn đấu và là bài học cho người CSGT hôm nay trong việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh, thanh lịch của Thủ đô”. Còn trong các cuộc tập huấn, cuộc họp giao ban giữa Bộ CA với các địa phương lần nào những câu chuyện giản dị của Thượng tá Lê Đức Đoàn cũng được các đồng chí lãnh đạo Bộ nnêu gương như một bài học quý về việc giữ gìn hình ảnh và phẩm chất cao quý của người chiến sĩ CA trong lòng nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đấu trí với tử thần trên cầu Chương Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.