(HNMO) - Nhà giải phẫu thần kinh người Ý Sergio Canavero tuyên bố một bệnh nhân Trung Quốc sẽ là người đầu tiên trên thế giới trải qua phẫu thuật ghép đầu vào tháng 12/2017 nếu dự án của ông nhận đủ nguồn tài trợ cần thiết.
(Ảnh: IBTimes) |
Trả lời phỏng vấn tờ Times of India, Canavero cho biết công nghệ và nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện ca phẫu thuật này đã sẵn sàng. Tất cả những gì còn thiếu hiện nay là nguồn tài trợ và sự ủng hộ từ dư luận trước bước đột phá mang tính lịch sử trong lĩnh vực y học này.
Canavero cũng lạc quan dự đoán bệnh nhân có thể hồi phục và đi lại bình thường sau 1 năm thực hiện phẫu thuật: “Chúng tôi sẽ tiến hành ca phẫu thuật ghép đầu cho một bệnh nhân tại Trung Quốc vào cuối năm 2017. Các chuyên gia trực tiếp tham gia đã thực hành rất nhiều lần trên tử thi để nâng cao kỹ thuật”.
Nhà giải phẫu thần kinh Canavero rất tin tưởng vào khả năng thành công của phẫu thuật ghép đầu. (Ảnh: Youtube) |
Trước đó, các y bác sĩ từng dự định thực hiện ca ghép đầu đối với Valery Spiridonov – một nhà khoa học người Nga mắc chứng nhược cơ hiếm gặp. Tuy nhiên, Spiridonov không phù hợp để nhận một cơ thể hiến tặng ở Trung Quốc do các vấn đề về sinh học và đạo đức.
Đây là ca phẫu thuật có mức độ rủi ro rất lớn. Theo Canavero, mấu chốt nằm ở việc duy trì nhiệt độ cơ thể người hiến tặng và bệnh nhân ở mức dưới 120C để các tế bào không bị chết do thiếu oxy trong quá trình phẫu thuật. Điều này sẽ giúp các bác sĩ có đủ thời gian để cắt mô quanh cổ và nối liền các mạch máu.
Khi phần đầu đã được ghép với cơ thể mới, bệnh nhân sẽ được giữ ở trạng thái hôn mê vài tuần nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển trong khi não bộ đang làm quen để kết nối với dây thần kinh cột sống.
Sau khi tỉnh dậy, bệnh nhân có thể giao tiếp và vận động nhẹ nhàng, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các biện pháp vật lý trị liệu trong vòng 1 năm.
Trước đó, cộng sự người Trung Quốc của Canavero là Xiaoping Ren đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép đầu khỉ vào tháng 1/2016. Con khỉ sống sót trong vòng 20 giờ trước khi hưởng cái chết nhân đạo vì lý do đạo đức. Tuy nhiên, đó không được coi là một ca cấy ghép đầu hoàn thiện bởi các dây thần kinh cột sống đã không được kết nối hoàn toàn với nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.