(HNM) - Đến nay, Hà Nội có hơn 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Thành tựu đạt được là rất lớn và càng phấn khởi hơn khi thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có 80% xã và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM.
Những chuyển biến bước đầu
Hồng Vân là một trong những xã đầu tiên của huyện Thường Tín cán đích NTM. Sau gần 2 năm được công nhận, hiện nay Hồng Vân vẫn giữ được phong trào toàn dân tham gia xây dựng NTM. Hàng loạt mô hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ hiệu quả kinh tế cao ra đời; các công trình phúc lợi phục vụ đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân đầu tư ngày càng nhiều. Trao đổi về kinh nghiệm này, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: Bám vào quy hoạch, Hồng Vân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, địa phương thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác giúp nhân dân liên kết sản xuất hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, phát triển chăn nuôi... để nâng cao thu nhập.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo, hạ tầng nhiều vùng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Trọng Tùng |
Không riêng Hồng Vân, qua thực tiễn xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đại đa số người dân nông thôn. Đơn cử như xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm), hoàn thành xây dựng NTM cách đây gần một năm, nhưng phong trào nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM diễn ra với khí thế mạnh mẽ. Nhiều hộ dân đã tự nguyện đăng ký xin nâng cấp đường làng, ngõ xóm mà không chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ Đinh Văn Giảng cho biết: Kinh nghiệm xây dựng NTM của địa phương chính là việc thực hiện công khai, dân chủ để người dân bàn bạc thống nhất quyết sách những việc quan trọng. Chính sự đồng thuận đó đã lôi cuốn người dân tự nguyện đóng công sức, tiền của cho xây dựng NTM.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, đến nay đã có hơn 34.000 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM của Hà Nội. Nhờ vậy, hàng nghìn công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn được triển khai phục vụ sản xuất và giao lưu phát triển kinh tế, xã hội. Cách đây hơn 5 năm, khi bắt tay vào xây dựng NTM, 401 xã của Hà Nội, chưa xã nào đạt chuẩn NTM, thì đến hết năm 2015 (loại trừ 15 xã của huyện Từ Liêm trở thành phường) đã có 201/386 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 52,07% số xã đạt chuẩn NTM, vượt 12,07% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Ngoài ra, Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2015 và 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
Gian nan ở phía trước
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho biết, Thường Tín có 10 xã đạt chuẩn NTM, năm 2016 huyện phấn đấu có thêm 5 xã được công nhận NTM. Qua rà soát, đến nay, còn một số tiêu chí xây dựng hạ tầng như trường học, giao thông, thủy lợi gặp khó khăn do thiếu vốn. Chủ trương của huyện, khi chưa có điều kiện sẽ tạm thời rải đá cấp phối ở các tuyến nội đồng phục vụ nhân dân sản xuất thuận lợi, nhà văn hóa thôn xây dựng quy mô vừa phải…, nguồn lực còn lại, ưu tiên cho phát triển sản xuất. Hằng năm, huyện Thường Tín bố trí kinh phí từ 4 đến 5 tỷ đồng hỗ trợ cho khâu giống và các mô hình mới để đẩy mạnh sản xuất.
Để vượt qua các thách thức, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu đề ra về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", Hà Nội đã xây dựng lộ trình cụ thể. Theo đó, đi đôi với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo bước đột phá lớn trong hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, ngân sách thành phố dành tối thiểu 35% đầu tư cho "tam nông". Ngoài ra, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học khoảng 30% để thực hiện các đề tài, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Là người gắn bó với chương trình xây dựng NTM từ những mô hình làm điểm đầu tiên của thành phố, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng, xây dựng NTM là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và còn nhiều khó khăn. "Diện mạo xã NTM phải thay đổi, bảo đảm môi trường sống tốt cho nhân dân; tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, xác định chủ thể đích thực trong NTM là người dân, mục tiêu chương trình hướng đến là chất lượng cuộc sống người dân. Khi người dân hiểu, tích cực tham gia xây dựng NTM, sẽ tạo thành sức mạnh đẩy nhanh kết quả chương trình. Nếu Nhà nước bỏ nhiều tiền ra làm mà người dân vô cảm, đứng ngoài cuộc, thì không bao giờ làm được. Đó là bài học Hà Nội đã làm khá thành công trong chặng đường vừa qua" - ông Lê Thiết Cương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.