Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân tham gia xây dựng các quyết sách

Lê Hương| 10/05/2010 07:02

(HNM) - Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội vừa ký kết Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội (QCPHTC PBXH). Theo đó, các tầng lớp nhân dân Thủ đô sẽ được phát huy hơn nữa quyền làm chủ và trách nhiệm công dân tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách của chính quyền TP.



PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UB MTTQ TP Phạm Xuân Hằng về quy chế này.

Phát huy quyền làm chủ của dân

(?) Thưa Chủ tịch UB MTTQ TP, Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước triển khai QCPHTC PBXH, xin ông cho biết nội dung cơ bản của quy chế này?

- PBXH ở đây được hiểu là hoạt động của MTTQ TP Hà Nội và các đoàn thể nhân dân phát huy dân chủ và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong việc nhận xét, đánh giá, đề nghị, góp phần hoàn thiện dự thảo các chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là các quyết sách) thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND (các quyết sách đã ban hành thuộc phạm trù giám sát việc triển khai thực hiện).

Những thông tin về quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội được đăng tải trên trang web của UB MTTQ TP Hà Nội.

Nội dung cơ bản của QCPHTC PBXH là những quy định về mục đích, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, hình thức, quy trình, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động PBXH. Trong đó, đối tượng PBXH là dự thảo các chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật (các quyết sách) do HĐND, UBND TP ban hành. Còn nội dung phản biện chủ yếu là: tính pháp lý; tính khả thi của quyết sách; phạm vi và mức độ tác động (tích cực và tiêu cực) của quyết sách đến cộng đồng xã hội và môi trường...; tính hiệu quả của quyết sách; sự đồng thuận xã hội đối với quyết sách.

- Trước khi có quy chế này, các tầng lớp nhân dân Thủ đô có được tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách không, thưa ông?

- Trước đây, nhân dân vẫn tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh MTTQ (chẳng hạn, việc MTTQ tổ chức để đại diện các tầng lớp nhân dân góp ý kiến cho các dự án luật trước khi Quốc hội họp). Thực tế cho thấy, nhân dân chưa có cơ hội tiếp xúc dự thảo các quyết sách của TP trước khi trình tại kỳ họp HĐND, chỉ có cơ hội tiếp xúc các quyết sách của TP đã được ban hành.

Tích cực vào cuộc

- Để giúp nhân dân phát huy quyền làm chủ, MTTQ sẽ triển khai hình thức phản biện như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?

- Có ba hình thức chủ yếu là: hội nghị trao đổi trực tiếp giữa Ban Thường trực UB MTTQ với lãnh đạo HĐND, UBND TP; hội nghị phản biện do UB MTTQ TP tổ chức với thành phần tham gia là những nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, nhà quản lý am hiểu chủ đề mà dự thảo các quyết sách đề cập; UB MTTQ TP tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri đóng góp thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và dư luận báo chí để phản ánh với chính quyền.

(?) Được biết, Chủ tịch UB MTTQ TP đã đăng ký PBXH đối với đề án thu học phí trong các trường công lập của UBND TP trước khi trình HĐND TP xem xét để thông qua tại kỳ họp tới đây. Vậy MTTQ có sự chuẩn bị như thế nào?

- Đây là chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của đại đa số gia đình ở Thủ đô. Đối với đề án này MTTQ TP sẽ chuẩn bị đầy đủ quy trình tổ chức hội nghị phản biện, trong đó có sự tham gia của đại diện các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo và đại diện một số hội cha mẹ học sinh ở một số trường thuộc nội đô và ngoại thành… Tuy vậy, UB MTTQ TP chỉ có thể thực hiện được với điều kiện UBND TP gửi dự thảo đề án cho UB MTTQ 25 ngày trước kỳ họp HĐND. UB MTTQ chỉ có 10 ngày thực hiện, 5 ngày, UBND tham khảo kết quả phản biện để kịp thời gửi tài liệu trước kỳ họp 10 ngày cho đại biểu HĐND.

(?) Đặt giả thiết, các ý kiến phản biện không được chính quyền; tiếp thu hoặc tiếp thu một cách chưa đầy đủ, MTTQ sẽ làm gì?

- Như trên đã nói, quy chế phối hợp này không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, không có điều khoản nào bắt buộc phải tiếp thu. Trách nhiệm ban hành quyết sách là thuộc về chính quyền, chính quyền là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước nhân dân. Kết quả phản biện thực hiện theo quy chế phối hợp này là cơ sở để chính quyền có cơ hội “nghe” được tiếng nói của đại diện các tầng lớp nhân dân tham khảo trước khi trình HĐND hoặc ban hành.

Điều 10 của quy chế phối hợp có điểm quy định, chính quyền có trách nhiệm “tiếp nhận và xử lý kết quả phản biện do UB MTTQ TP gửi đến. Trả lời UB MTTQ TP bằng văn bản về những nội dung tiếp thu, những nội dung không tiếp thu”. Khi cần thiết, UB MTTQ tổ chức đối thoại với lãnh đạo chính quyền nhằm làm sáng tỏ những nội dung phản biện. Toàn văn quy chế phối hợp, quý vị có thể tìm hiểu trên ebsite của MTTQ TP theo địa chỉ: www.mttqhanoi.org.vn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân tham gia xây dựng các quyết sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.