Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân Thái Lan ủng hộ Hiến pháp mới: Khát vọng ổn định

Hoàng Linh| 09/08/2016 06:34

(HNM) - Kết quả kiểm 94% phiếu bầu cho thấy có tới 61,4% người dân Thái Lan ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới. Như vậy có nghĩa là dù ngày 10-8, kết quả cuối cùng mới được công bố, nhưng quốc gia Đông Nam Á này chắc chắn sẽ có bản Hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến kể từ năm 1932.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã thể hiện nguyện vọng của người dân Thái Lan.



Đây được xem là một chiến thắng thuyết phục của chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, giúp Hội đồng quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) củng cố được tính chính thống, từ đó có được lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Hiến pháp mới sẽ góp phần mở rộng đáng kể quyền lực của NCPO, cho phép họ duy trì ảnh hưởng sau khi đã kết thúc giai đoạn lâm thời bắt đầu từ cuộc đảo chính năm 2014. Theo chính quyền quân sự của ông Prayuth Chan-ocha, Hiến pháp mới được soạn thảo nhằm “chữa lành” nền chính trị vốn đã bị chia rẽ nghiêm trọng suốt hơn một thập kỷ qua tại Thái Lan, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng kinh tế và phát sinh nhiều bất ổn trong đời sống dân sự của quốc gia này. Với những thay đổi trong dự thảo Hiến pháp, cấu trúc chính trị mới được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn tham nhũng và xây dựng một Chính phủ công bằng, minh bạch.

Tuy nhiên, một trong những điều gây tranh cãi là việc NCPO sẽ có quyền bổ nhiệm 250 ghế trong Thượng viện khóa mới. Trong khi đó, dự thảo Hiến pháp lại cho phép Hạ viện tham gia cùng Thượng viện trong việc chọn vị trí thủ tướng. Điều này đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo tiếp theo của Thái Lan có thể tiếp tục là một nhân vật xuất thân từ quân đội. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng Hiến pháp mới thể hiện sự hạn chế ảnh hưởng của những nhà lãnh đạo từ đảng Pheu Thai - chính đảng của “Phe Áo đỏ” từng đưa bà Yingluck Shinawatra lên chiếc ghế quyền lực - vốn rất được lòng những người dân nghèo ở miền Bắc Thái Lan. Điều này thể hiện qua việc tái cơ cấu lại cách phân bổ số ghế và lựa chọn đại diện từ các địa phương để tham gia vào 500 ghế Hạ viện. Vì thế, ngay từ đầu cuộc trưng cầu, bà Yingluck Shinawatra cùng những nhóm "Áo đỏ" đã công khai phản đối bản dự thảo Hiến pháp. Trong khi đó, cả Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, cùng NCPO, Quốc hội hiện tại và một số nhóm từng thuộc “Phe Áo vàng” đều thể hiện sự ủng hộ đối với văn bản này. Việc chính quyền quân đội ban hành một đạo luật nhằm cấm đoán mọi chiến dịch vận động nhằm đến những nỗ lực chống lại dự thảo Hiến pháp cũng dẫn tới những phản ứng trái chiều. Nhiều người ủng hộ “Phe Áo đỏ” cho rằng họ không thể “chiến đấu một cách tốt nhất do các mối đe dọa và sự quấy rối” theo như lời ông Jatuporn Prompan, Chủ tịch đảng Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), lực lượng chính trị ủng hộ gia tộc Shinawatra.

Gạt sang một bên những tranh cãi, việc đa số người dân Thái Lan bỏ phiếu ủng hộ bản Dự thảo Hiến pháp mới đã cho thấy nỗi khát khao được sống trong một đất nước bình yên, ổn định. Vào thời điểm khủng hoảng chính trị xảy ra tại quốc gia này, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã thiệt hại ước tính 70 tỷ baht, du lịch giảm sút, xuất khẩu, đầu tư đình trệ... Đến quý I năm nay, tăng trưởng GDP của Thái Lan đã đạt 3,2% - mức tăng cao nhất trong vòng ba năm gần đây. Do đó, cho dù thế nào thì những nỗ lực của chính quyền quân sự với 10 biện pháp kích thích nền kinh tế có tổng ngân sách 645 tỷ baht đã được chứng minh bằng những số liệu thực tế. Điều đó cũng mang đến niềm tin cho dân chúng Thái Lan rằng, xứ chùa Vàng sẽ tiếp tục gặt hái được thành công, tăng sức cạnh tranh nếu có được sự ổn định chính trị. Theo kế hoạch của NCPO, sau khi Hiến pháp được thông qua, cuộc tổng tuyển cử mới được tiến hành sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu một thời điểm mới của Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Thái Lan ủng hộ Hiến pháp mới: Khát vọng ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.