(HNMO) - Tính đến trưa 1-8, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 35.218 bệnh nhân Covid-19. Trong số này, có 933 bệnh nhân nặng phải thở máy, 13 ca phải hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO). Trong ngày 31-7, có 3.493 người ra viện. Thành phố đang nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân và phối hợp với các địa phương đưa người dân về quê một cách có tổ chức.
Phát huy vai trò đội cấp cứu cộng đồng
Sáng 1-8, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức lễ ra mắt đội tiêm lưu động và đội phản ứng nhanh xử lý các trường hợp có triệu chứng mắc Covid-19 và đội cấp cứu nhanh kịp thời vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Theo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng, lực lượng này sẽ giúp thành phố đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và kịp thời ứng cứu người dân khi có vấn đề về sức khỏe, thông qua đường dây nóng của thành phố.
Cụ thể, đội tiêm lưu động được trang bị xe ô tô chuyên dùng cùng với các trang thiết bị hiện đại kèm theo. Đội phản ứng nhanh được trang bị xe máy chuyên dùng cùng với các trang thiết bị y tế cần thiết để thuận tiện cho việc nhanh chóng đi vào các ngõ, hẻm nhỏ mà xe ô tô chuyên dụng không vào được. Đội cấp cứu nhanh có 2 cấp: Cấp thành phố có 6 đội và cấp phường có 34 đội.
Sự phủ khắp các đội cấp cứu nhanh nhằm nhanh chóng, kịp thời cung cấp dịch vụ y tế đến cho người dân trong thời gian sớm nhất. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh viện được giao nhiệm vụ triển khai đội hình phản ứng nhanh và cấp cứu nhanh. “Chúng tôi đã bố trí ứng trực 24/24, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thịnh khẳng định.
Các đội phản ứng nhanh trợ giúp y tế cho người dân còn được nhiều quận, huyện khác tại thành phố Hồ Chí Minh triển khai. Đơn cử như tại quận Bình Thạnh, từ ngày 1-8, quận đưa vào hoạt động điểm thu dung, điều trị cho các F0 trên địa bàn quy mô 180 giường, bao gồm 20 phòng cấp cứu, do Bệnh viện quận Bình Thạnh vận hành. Cùng với đó, quận tổ chức 20 đội phản ứng nhanh tại 20 phường thuộc quận, mỗi đội đều có xe cấp cứu, kịp thời đưa F0 đến viện và vận chuyển F0 có triệu chứng tăng nặng lên các bệnh viện tuyến trên.
Những tổ phản ứng nhanh này góp phần không nhỏ vào chất lượng cấp cứu ngoại viện cho người dân, trong bối cảnh toàn thành phố Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội triệt để theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một trong số đó là ca cấp cứu kịp thời một nữ bệnh nhân đang cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm, có dấu hiệu nhiễm Covid-19, suy hô hấp, nồng độ oxy hòa tan trong máu (SPO2) chỉ còn 66%, tại phường Tân Kiểng, quận 7 vào đêm 31-7.
Đại diện Trung tâm Y tế quận 7 cho biết, quận đã thành lập 10 tổ y tế cộng đồng tại 10 phường. Đây là việc làm cần thiết và bước đầu đã mang lại hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh, cấp cứu kịp thời cho các trường hợp F0, F1 và người bệnh trong các khu vực cách ly y tế.
Phối hợp với các tỉnh đưa người dân về quê
Trưa 1-8, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn khẩn số 2556/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 1-8-2021.
Đáng chú ý, thành phố sẽ áp dụng nghiêm quy định “ai ở đâu, ở yên đó”, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. Trong thời gian này, UBND các quận, huyện không cho người dân tự phát rời thành phố, trừ các trường hợp được các tỉnh, thành phối hợp đưa người dân về quê một cách có tổ chức.
Để thực hiện việc này, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức đưa người dân về quê, không để người dân tự ý di chuyển như thời gian qua. Cụ thể, sáng 1-8, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn khẩn yêu cầu Công an tỉnh và các địa phương cho người dân lên danh sách người thân đang ở trong thành phố Hồ Chí Minh có nguyện vọng về quê để tỉnh phối hợp lên kế hoạch đón.
Còn UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện từ ngày 1-8 để đưa những người có hộ khẩu thường trú tại Đồng Tháp, hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, đang gặp khó khăn và không phải là các đối tượng thuộc diện F0, F1 về quê. Những người này được chia thành 4 nhóm ưu tiên.
Cụ thể, nhóm 1: Người già đi khám, chữa bệnh, thăm người thân; người khuyết tật; phụ nữ mang thai; phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; trẻ em dưới 12 tuổi và người thân đi kèm trẻ em. Nhóm 2: Người đi công tác chưa trở về được; lao động là hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng. Nhóm 3: Lao động mất việc do dịch, không có chỗ ở tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm 4: Học sinh, sinh viên không có chỗ ở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An dự kiến tổ chức 20 chuyến bay miễn phí đưa người từ thành phố Hồ Chí Minh về quê. Tỉnh Bến Tre đã lập xong kế hoạch đợt 1 đưa 190 công dân của tỉnh từ thành phố Hồ Chí Minh về nhà bằng ô tô. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công bố đường dây nóng để công dân đang ở trong vùng dịch liên hệ để được tỉnh tổ chức đưa về nhà.
Tỉnh Phú Yên cũng đã xây dựng xong kế hoạch tiếp tục đưa 8.500 lao động đang kẹt lại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về quê từ ngày 2-8. Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói: “Đưa người dân về nhanh nhất, nhiều nhất có thể chính là chia sẻ áp lực với thành phố Hồ Chí Minh và là cách tốt nhất để quản lý nguồn lây nhiễm. Người dân trong tâm dịch cần được đưa về nhà, tránh bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu để người dân về quê không kiểm soát, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Phú Yên sẽ rất lớn”.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.