(HNMO) - Chứng minh rằng nghề thêu vẫn còn rất sống động bằng cách khám phá một cách tiếp cận và hướng đi mới cho loại hình nghề truyền thống này - đó là những gì Lionel Descostes - một nghệ sỹ Pháp muốn bày tỏ thông qua cuộc triển lãm “Từ nét vẽ đến đường thêu” vừa khai mạc chiều 15/2 tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).
Khác với quan niệm về tranh thêu truyền thống chỉ giới hạn trong các đề tài: hoa lá, chim muông, dòng sông, con đò… Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm của Lionel khiến người ta không khỏi ngạc nhiên bởi hơi thở nghệ thuật đương đại xuất hiện trong từng đường nét thêu trên nền chất liệu vải taffeta. Chúng là kết quả làm việc miệt mài trong suốt 8 năm (2002 - 2009) của anh với 9 cô gái Việt Nam bị khiếm thính và câm.
Tình cờ và say đắm
Đã gần 11 năm kể từ khi Lionel đặt chân, sinh sống và lấy vợ ở Việt Nam. Trước đây, ở Pháp, anh chưa hề biết đến nghề thêu cũng như chưa từng tiếp xúc với chiếc kim thêu dù rằng anh sinh ra ở Lyon – thành phố nổi tiếng về tơ lụa một thời.
Tình cờ trong một lần tới làm việc tại trường Hoa Sữa, anh đã nhận ra đam mê thực sự của mình với nghề thêu truyền thống của Việt Nam.
Không người chỉ dạy, tất cả mọi thứ liên quan đến nghề đều do anh tự mày mò bằng cách quan sát người khác thêu và ngắm nhìn các tác phẩm của họ.
Suốt 8 năm Lionel đã miệt mài sáng tác cùng các cô gái khuyết tật Việt Nam |
Lionel tâm sự: “Tôi làm việc độc lập trong studio riêng trong suốt 8 năm (2002-2009), tự mình khám phá kỹ thuật thêu tay (một kỹ thuật đang bị mai một) và dạy 9 bé gái Việt Nam bị câm điếc một kỹ thuật thêu một chỉ. Cho đến nay chúng tôi đã có được hơn 200 tác phẩm nghệ thuật thị giác. Nhưng cho đến mùa hè năm 2009 tôi mới bắt đầu cảm thấy sẵn sàng giới thiệu tác phẩm”.
Một điều đặc biệt là kỹ thuật thêu một chỉ lại có điểm tương đồng với hoạt động nghề nghiệp trước đó của anh: một nhà thiết kế mỹ thuật. Từng nét chì phác thẳng và đều tay trên giấy vô tình đã “luyện” cho đôi bàn tay của Lionel trở nên mềm dẻo cũng như khắc dần từng nét sơ khai nhất trong anh về thêu thùa.
Nghề thêu như một công cụ để thể nghiệm những ý tưởng nghệ thuật của anh: “Làm ra những tác phẩm hoa lá, cỏ cây, cảnh vật quen thuộc… nó không có ý nghĩa với tôi. Tôi muốn đi đến tận cùng của kỹ thuật thêu, tận cùng của giới hạn nghệ thuật và làm ra những thứ mới mẻ, có ý nghĩa hơn thế. Đó cũng là cách tôi thể hiện tình yêu đối với nghề thêu truyền thống của Việt Nam, giúp các sản phẩm làm ra phát triển phong phú về nội dung lẫn hình thức thể hiện”.
Nghệ thuật sánh đôi cùng nhân văn
Khi được hỏi tại sao anh lại quyết định cộng tác với những người khuyết tật thay vì những người thợ lành nghề và bình thường khác, anh cho biết: “Tôi muốn kết hợp đưa công tác xã hội vào trong việc sáng tác nghệ thuật của mình và muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những người khuyết tật khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Như thế, các tác phẩm của tôi sẽ nhân văn hơn rất nhiều”.
Những triết lý lành mạnh ẩn chứa bên trong những hình khối vuông. |
Người nghệ sỹ vốn đã rất nhạy cảm và bởi vậy, có lẽ họ dễ đồng cảm hơn với nỗi đau, sự mất mát của những người khuyết tật. Ngược lại, chính bản thân người khiếm thính, khiếm thị hoặc câm lại có những cảm nhận nhạy bén hơn người thường. Và khi hai chủ thể đó kết hợp với nhau, những tác phẩm nghệ thuật mang đầy tính nhân văn và ý nghĩa xã hội là kết quả chúng ta thu được.
Tất cả các sáng tác được trưng bày tại “Từ nét vẽ đến đường thêu” đều là những tác phẩm mới, chưa từng được công bố và đa phần, chúng đều mang hình dạng vuông khối. Theo tác giả, hình vuông tượng trưng cho góc cạnh cuộc sống, các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân này với cá nhân khác, dù không biết nhau nhưng thực chất chúng ta đều có một mối liên kết nhất định nào đó. Không có ai là tồn tại một cách độc lập và tách biệt khỏi các mối quan hệ xã hội.
Nghệ thuật chân chính không chỉ là sự sáng tạo ích kỉ chỉ cho riêng bản thân mà nó còn phải đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Đó chính là quan điểm nghệ thuật mà người đàn ông với đôi bàn tay vàng này theo đuổi: “Tôi không biết ngày mai sẽ thế nào, tôi sẽ ra sao, vì vậy, mỗi ngày trôi qua tôi đều cố hết sức vượt qua giới hạn của chính bản thân mình để sáng tác thật nhiều, nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Và tôi tin mình sẽ làm được”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.