(HNM) - Nhà phân tâm học người Pháp Giăng Nôen không bị cuốn hút bởi cuộc sống và con người Hà Nội ngay từ lúc đầu đặt chân tới nơi đây, nhưng ông đã dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm sâu lắng đặc biệt.
(HNM) - Nhà phân tâm học người Pháp Giăng Nôen không bị cuốn hút bởi cuộc sống và con người Hà Nội ngay từ lúc đầu đặt chân tới nơi đây, nhưng ông đã dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm sâu lắng đặc biệt.
"Tôi yêu Hà Nội vì đây là một thành phố vừa mang những nét cổ kính nguyên thủy vừa tràn ngập sức sống hiện đại. Tôi thích ngắm Hà Nội vào ban đêm, khi đã thưa xe cộ qua lại. Tôi cũng thích ngắm Hà Nội những buổi sớm, khi mọi người đủ mọi lứa tuổi, già trẻ, gái trai, vội vã ăn phở trước khi đi học, đi làm"...
Cảm nhận của người đàn ông Pháp có vẻ hoài niệm nhưng cũng rất thực tế. Trò chuyện với tôi, ông thành thực chia sẻ những giây phút đầu đặt chân đến Hà Nội. Với một người đã lớn tuổi ít du lịch như ông, việc đi lại hoàn toàn không dễ dàng. Giăng Nôen cho biết: "Tôi đến Việt Nam một cách rất tình cờ. Chỉ vài tuần sau khi về hưu vào năm 2007, tôi nhận được đề nghị của một hiệp hội về hỗ trợ giáo dục ở khu vực Đông Nam Á và tới Hà Nội làm việc một tháng. Thực sự lúc đầu cảm nhận của tôi không hề dễ chịu khi thấy quá nhiều xe máy, tắc đường và cả tai nạn giao thông. Tôi không phải người ham mê phiêu lưu nên không dễ thích nghi với một cuộc sống có nhiều rủi ro. Cũng một phần bởi tôi đã lớn tuổi và sống một mình nên cảm giác cô đơn khi sống ở một nơi xa lạ cũng nhiều khi làm tôi sợ hãi".
Không có nhiều mối quan hệ và bạn bè, cứ đến với mục đích đơn thuần ban đầu là để làm việc, ông Giăng Nôen gặp không ít khó khăn trong cuộc sống ở Hà Nội, từ việc đi thuê nhà cho đến những chuyện nhỏ nhặt như đi tìm mua chiếc khăn mùi xoa, tìm mua đôi dây giày ở đâu… Thế nhưng, nhịp sống và con người ở Hà Nội dần dần trở nên quen thuộc, khiến ông nhiều lần quay trở lại và đến nay khó có thể rời xa nơi này.
Hàng sáng, từ căn nhà thuê ở phố Trần Xuân Soạn, một người đàn ông Pháp râu tóc bạc trắng cặm cụi đạp xe đi làm và lặng lẽ trở về nhà khi Hà Nội đã tối đèn. Với ông, làm việc là niềm vui lớn nhất ở Hà Nội và công việc ông đang làm cũng hết sức đặc biệt. Đó là hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu về tâm lý học. Với kinh nghiệm làm việc 20 năm với trẻ em tự kỷ, ông rất muốn đóng góp trong một vấn đề mà theo ông "đã tồn tại từ lâu nhưng nay mới bắt đầu được chú ý đến": Vấn đề tự kỷ ở trẻ em Việt Nam. Chưa thể khẳng định ngay những đóng góp của ông đối với ngành tâm lý học còn ở giai đoạn khởi đầu ở nước ta, cũng như đối với vấn đề tự kỷ ở trẻ em đang gây bối rối cho nhiều chuyên gia, nhiều bậc cha mẹ. Song chỉ riêng việc ông đang làm tất cả tại Việt Nam một cách tự nguyện, hoàn toàn phi lợi nhuận cũng đủ nói lên tâm huyết mà người bạn Pháp đang dành cho Hà Nội, cho Việt Nam.
Để có thể hiểu được tâm lý, văn hóa của người Hà Nội, người Việt Nam, ông Giăng Nôen đang theo học một lớp tiếng Việt tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Một người đã lớn tuổi như ông, học thêm một ngoại ngữ mới không hề dễ dàng. "Tôi sẽ ở lại Hà Nội cho tới khi nào tôi còn đam mê làm việc ở đây", câu trả lời của Giăng Nôen với vẻ hào hứng như một lời hứa hẹn dễ nhận ra. Hứa hẹn ông sẽ còn gắn bó với nơi đây tới khi nào còn có thể để đóng góp chút gì đó với nơi mà ông ước: "Có thể quay ngược thời gian để đến được Hà Nội sớm hơn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.