(HNMO)- Gần 80% dân số nước ta vẫn đang sinh sống tại khu vực nông thôn. Bởi vậy, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) rất được chú trọng quan tâm và đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đưa nước sạch, cải thiện môi trường sống cho hàng chục triệu người dân nông thôn. Tuy giai đoạn 1 của chương trình đã kết thúc, nhưng một tỷ lệ lớn người dân khu vực nông thôn vẫn “khát” nước sạch, trong khi môi trường sống của họ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt thấp
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, đến hết năm 2010, chương trình cấp nước hợp vệ sinh cho vùng nông thôn đạt 83,5%, nhưng chỉ có 42% là nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, thấp hơn 10% so với mục tiêu đưa ra. Trong 7 vùng kinh tế- sinh thái, miền núi phía Bắc có tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch thấp 78% và Tây Nguyên 74%. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đánh giá, mục tiêu chương trình NS&VSMTNT giai đoạn 2006-2010 thấp hơn 10% so với kế hoạch đề ra. Bởi vậy, còn phải cố gắng nỗ lực nhiều trong giai đoạn tới và điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức của cộng đồng.
Nguồn nước mặt tại khu vực nông thôn đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân |
Còn kết quả kiểm tra các nhà máy nước của Cục quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn là 79,9% trong 7.741 lượt kiểm tra. Trong tổng số 13.525 mẫu được xét nghiệm, có 15,8% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về lý hoá và 14,3% số mẫu không đạt tiêu chuẩn vi sinh. Đến cuối tháng 12-2010, tỷ lệ số hộ dân ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 60%. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thấp hơn rất nhiều, bình quân cả nước là 40%, một số vùng thấp hơn như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía Bắc.
Theo đánh giá của Cục quản lý môi trường, dù đã có thông tư liên tịch về sự phối hợp giữa các ngành như Y tế, NN&PTNT, Giáo dục và đào tạo cùng với chính quyền địa phương, song nhiều địa phương vẫn chưa có sự phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương trình. Bởi vậy, việc giải ngân cho chương trình còn chậm. Đến hết năm 2010, theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, hiện vẫn còn13 tỉnh (trong số 53 tỉnh báo cáo) không được phân bổ kinh phí thực hiện chương trình, trong đó có tỉnh cấp kinh phí cao nhất là 5,3 tỷ (Cao Bằng) và thấp nhất là 54 triệu đồng (Bắc Ninh). Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình NS&VSMTNT giai đoạn 2006-2010 là 22.600 tỷ đồng.
“Nóng” về rác thải sinh hoạt nông thôn
Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn tăng cao, kéo theo chất thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Bình quân, lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở các vùng nông thôn trong cả nước là gần 10 triệu tấn/năm. Ước tính mỗi người dân vùng nông thôn mỗi ngày trung bình phát thải 0,34 kg rác thải ra môi trường.
Trung tâm quốc gia NS&VSMTNT (Bộ NN&PTNT) đánh giá, trong khi quỹ đất ở ngày càng thu hẹp, rác thải chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động. Nhiều địa phương có tổ thu gom rác thải, song tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom hiện nay rất thấp, biện pháp xử lý chủ yếu là đổ lộ thiên và đốt thủ công, hầu như chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh và tái chế rác vô cơ... Kết quả điều tra cho thấy, mới có 28,5% số xã có tổ thu gom rác thải. Hoạt động của các tổ thu gom rác thải không thường xuyên, số lần thu gom rác thải ở cấp xã 0,5-2 lần/tuần, đối với các thị trấn từ 2-6 lần/tuần dẫn đến tỷ lệ rác thải được thu gom rất thấp và tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư đang phổ biến.
Rác thải sinh hoạt đang trở thành vấn đề "nóng" tại khu vực nông thôn |
Giai đoạn từ 2011-2015 mục tiêu đưa ra là 95% số dân nông thôn có nước sạch, trong đó 60% đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 60% số xã được thu gom rác thải…Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trường Đào Xuân Học, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại đang vướng mắc thì giai đoạn 2011-2015 cũng khó có thể hoàn thành được mục tiêu đưa ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.