(HNM) - Từ ngày 24 đến 25-4-2014, Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất chính thức diễn ra tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Đây là ngày hội lớn của nhân dân Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Nam bộ nói chung.
Nhân dịp này, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - năm 2014 tại Bạc Liêu đã dành thời gian trao đổi với Báo Hànộimới về công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này và phương hướng bảo tồn loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng. |
Một loại hình nghệ thuật vừa bình dân vừa bác học
- Tỉnh Bạc Liêu vinh dự nhận trách nhiệm đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - 2014. Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của sự kiện quan trọng này đối với Bạc Liêu nói riêng cũng như khu vực Đồng bằng Nam bộ nói chung?
- ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm vinh dự lớn lao dành cho các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Nam bộ. Ý nghĩa, giá trị của nghệ thuật ĐCTT đã mang tầm quốc gia và có tính quốc tế, vượt qua thời gian và không gian trở thành di sản của nhân loại. Bạc Liêu vinh dự được giao tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - 2014, một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, đây là niềm vinh dự vô cùng lớn lao khi Bạc Liêu đại diện cho 21 địa phương của khu vực Đồng bằng Nam bộ đứng ra tổ chức sự kiện quan trọng này.
- Ông có thể giới thiệu cho bạn đọc được biết những nét khái quát về nghệ thuật Đờn ca tài tử?
- Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đã đáp ứng được các tiêu chí đặt ra (được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Nam bộ, liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc…), khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập cùng văn hóa thế giới.
Tuy ra đời muộn so với một số thể loại âm nhạc cổ truyền khác song sức sống, sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng của nghệ thuật ĐCTT đối với công chúng là hết sức mạnh mẽ, cả trong Nam, ngoài Bắc, cả trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Trong hồ sơ trình UNESCO, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được xác định là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, ra đời ở miền Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX, sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ Nam bộ, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam. Tính dân gian là ai cũng tham gia được, ở bất cứ thành phần nào, hoàn cảnh nào; tính bác học là muốn ca hay, đờn giỏi thì phải có năng khiếu, phải có “nghề”. Đối với các tỉnh, thành Nam bộ, nghệ thuật ĐCTT đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân với mọi diện đối tượng. Đi đến bất cứ đâu, dù ở nơi đô thị hay vùng miệt vườn, vùng sông nước Nam bộ, ta đều có thể được lắng nghe những câu cải lương, vọng cổ của nghệ thuật ĐCTT.
Bạc Liêu là “cái nôi” của nghệ thuật đờn ca tài tử
- Về Bạc Liêu những ngày qua, hòa vào dòng chảy của Đờn ca tài tử, xin ông cho biết lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử của Bạc Liêu?
- Bạc Liêu là vùng đất mà phong trào ĐCTT phát triển mạnh từ buổi ban đầu. Thập niên cuối thế kỷ XIX, ông Lê Tài Khí (thường gọi là ông Nhạc Khị), thầy dạy đờn cho nhạc sĩ Cao Văn Lầu, là người đầu tiên đứng ra thành lập Ban cổ nhạc Bạc Liêu vang tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Ông được xem như người đã khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu và từ lâu đã được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn xưng là Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu. Tư tưởng và sự nghiệp sáng tác của ông không những tác động mạnh tới các hoạt động cổ nhạc Bạc Liêu mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các phong trào ca nhạc cổ ở nhiều địa phương thuộc khu vực Đồng bằng Nam bộ. Có thể nói Nhạc Khị là người Bạc Liêu đầu tiên có công trong việc canh tân, hiệu đính và hệ thống 20 bản Tổ để làm cơ sở cho cổ nhạc và cải lương Nam bộ.
Năm 1919, bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời đã thổi một luồng gió mới vào dòng nghệ thuật đang phôi thai lúc ấy là cải lương. Bằng bản Dạ cổ hoài lang, Cao Văn Lầu đã để lại một dấu ấn trong lịch sử cổ nhạc Việt Nam. Từ Dạ cổ hoài lang, người Bạc Liêu đã nâng lên thành bản vọng cổ (khoảng năm 1924, Trịnh Thiên Tư nâng Dạ cổ hoài lang thành nhịp 4; khoảng năm 1935, Lư Hòa Nghĩa nâng bản vọng cổ nhịp 4 thành nhịp 8; khoảng năm 1936, Mộng Vân nâng vọng cổ nhịp 8 lên nhịp 16; khoảng năm 1941, Trần Tấn Hưng nâng vọng cổ nhịp 16 lên nhịp 32 – và 6 câu vọng cổ xuất hiện từ đây; năm 1950, Lý Khi nâng vọng cổ nhịp 32 lên nhịp 64 nhưng không thông dụng, bài vọng cổ hiện nay đang sử dụng là vọng cổ nhịp 32). Bản vọng cổ ra đời đã góp phần làm thăng hoa sân khấu cải lương Nam bộ, còn được gọi là “bài ca vua” của sân khấu cải lương.
- Bạc Liêu được tôn vinh là “cái nôi” của Đờn ca tài tử, xin ông cho biết rõ hơn về phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh nhà?
- Hiện tại, ở Bạc Liêu có gần 150 đội, nhóm, câu lạc bộ với gần 1.500 nghệ nhân, tuy nhiên, trong thực tế sẽ còn nhiều hơn, vì trong dân cư, nhất là ở nông thôn, hầu như người nào cũng biết ca đôi bài ĐCTT và năm ba câu vọng cổ. Chính từ tình yêu của người dân đối với ĐCTT nên đã lưu truyền ở Bạc Liêu 20 bài Tổ của ĐCTT, đúng như yêu cầu của UNESCO, một trong những tiêu chí để xét chọn, tôn vinh là ĐCTT phải được bảo tồn, phát huy từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Festival ĐCTT lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 được tổ chức là sự kiện quốc gia, có tính quốc tế, nhằm để tôn vinh nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Thông qua đó, làm cho người dân Việt Nam, người dân Nam bộ tự hào về loại hình nghệ thuật độc đáo này, nhất là tự hào vì mình đã có công tạo nên một di sản văn hóa của nhân loại.
- Như vậy, có thể thấy quyết tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trong thời gian qua của Bạc Liêu và các địa phương khu vực Đồng bằng Nam bộ. Điều đó đã góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
- Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, bản sắc văn hóa Nam bộ chính là động lực phát triển của Nam bộ, trong đó có Bạc Liêu. Mà nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa Nam bộ. Và Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, với chủ đề “Tình người, tình đất phương Nam” chính là dịp tôn vinh và phát đi thông điệp phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy.
Tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị của Đờn ca tài tử
- Thưa ông, dư luận cho rằng, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 đã kết thúc và để lại những “điểm nhấn” quan trọng. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến nêu trên?
- Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 có sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố thuộc miền Đông và miền Tây của khu vực Nam bộ. Đây là lần đầu tiên nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trở thành chủ thể và tâm điểm của một Festival quy mô quốc gia. Điểm nhấn của Festival là Chương trình nghệ thuật khai mạc được tổ chức tại Quảng trường Hùng Vương vừa được khánh thành, đây là đêm tôn vinh các giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; tôn vinh những tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ có công đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ; giới thiệu một cách cô đọng và dễ hiểu nhất về lịch sử hình thành và phát triển ĐCTT, giới thiệu truyền thống lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của đất và người phương Nam nói chung, đất và người Bạc Liêu nói riêng; gợi mở một không gian văn hóa ĐCTT gắn bó với mảnh đất và con người Nam bộ. Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival là điểm nhấn thứ hai, được tổ chức trên Hồ Nam thơ mộng, như bức tranh quê Nam bộ mênh mang sông nước và dạt dào cảm xúc, với chủ đề “Hò hẹn đất phương Nam”. Bên cạnh đó, Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 là điểm hội tụ những tinh hoa nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, nơi để nghệ nhân, nghệ sĩ có điều kiện giao lưu thân tình (với Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc, Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ và Vòng 2 cùng Đêm chung kết và trao giải của Giải thưởng danh tiếng Trần Hữu Trang). Đây cũng là dịp tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo ĐCTT Nam bộ, tôn vinh những tên tuổi và những đóng góp của các nghệ nhân, nghệ sĩ cho nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, cho nghệ thuật sân khấu cải lương và cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.
- Bạc Liêu có những giải pháp gì để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, thưa ông?
- Như tôi đã nói, ĐCTT là nghệ thuật do nhân dân, của nhân dân. Nhân dân chính là chủ thể sáng tạo, nâng tầm cho nghệ thuật ĐCTT phát triển. Chính vì vậy, không riêng gì Bạc Liêu mà ở cả 21 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Nam bộ sẽ triển khai ngay Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, Bạc Liêu đang tích cực xây dựng nội dung tham gia dự thảo Đề án chi tiết bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước mắt, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là của thế hệ trẻ đối với việc phát huy giá trị di sản nghệ thuật ĐCTT Nam bộ thông qua việc tiếp tục xây dựng, khánh thành và khai thác sử dụng tốt các thiết chế văn hóa, đồng thời đẩy mạnh phong trào ĐCTT đã và đang được duy trì, phát triển. Gắn phong trào ĐCTT ở địa bàn cơ sở với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở nông thôn. Cách đây 5 năm, Bạc Liêu đã ra mắt Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Cao Văn Lầu, trong khuôn khổ Festival vừa diễn ra, chúng tôi đã tổ chức lễ ra mắt Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ của tỉnh, nhằm tiếp tục có những chính sách đãi ngộ, khen thưởng và chăm lo đối với các nghệ nhân ĐCTT có những cống hiến và đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT. Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong gia đình, nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng; tiếp tục phát động việc sáng tác lời mới cho các bài bản ĐCTT; duy trì các cuộc liên hoan, giao lưu ĐCTT, tạo mọi điều kiện để các nghệ nhân ĐCTT có dịp giao lưu, trình diễn ở trong và ngoài địa phương, trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ủng hộ các hoạt động nghiên cứu về nghệ thuật ĐCTT một cách bài bản và có hệ thống… Chúng tôi tin tưởng rằng, sau sự kiện Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, phong trào ĐCTT ở Bạc Liêu nói riêng, Nam bộ nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng thiết tha của đông đảo nhân dân, coi đó như là yếu tố để Nam bộ và Bạc Liêu phát triển bền vững. Từ niềm tin đó, Đảng bộ chính quyền nhân dân Bạc Liêu nguyện làm hết sức mình với tinh thần trách nhiệm, chu đáo “mở lòng” với bạn bè trong nước và quốc tế đến với Festival ĐCTT để hiểu hơn tình đất - tình người Bạc Liêu nói riêng - Nam bộ nói chung.
- Trân trọng cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.