Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân là chủ thể thực hiện

Bình Yên| 07/08/2014 06:15

(HNM) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng nhấn mạnh



Như thế để thấy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân, của mỗi cơ quan, đơn vị là giải pháp tiên quyết. Và thực tế sau hơn 7 tháng thực hiện Chỉ thị 01 của UBND TP Hà Nội về "Năm trật tự và văn minh đô thị", nơi nào tuyên truyền tốt, nơi đó có chuyển biến.

Vỉa hè trên phố Bà Triệu được sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Như Ý


Đi trên đường Bà Triệu, đoạn từ ngã năm đến đường Đại Cồ Việt, một hình ảnh đẹp được nhiều người ghi nhận là sự sắp xếp gọn gàng của các phương tiện tham gia giao thông. Dù vỉa hè hẹp, nhưng việc dựng xe máy, xe đạp quay đầu vào sát tường nhà tạo nên sự trật tự mà vẫn dành khoảng trống cho người đi bộ.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sỹ Phong cho biết, sáng kiến đỗ xe máy, xe đạp sát tường nhà bắt nguồn từ quyết tâm khắc phục tình trạng lộn xộn trong việc dừng, đỗ xe trên các tuyến phố. Vỉa hè không còn khoảng trống, xe tắc xi phải trả khách dưới lòng đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ban đầu, vận động người dân thay đổi thói quen là khó, cán bộ các phường phải đến từng hộ dân, cửa hàng kinh doanh, cơ quan, đơn vị yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng quy định của quận, sau đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.

Sau khi làm điểm tại phố Bà Triệu có kết quả, đến nay cả 27 tuyến phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã thực hiện quy định về đỗ xe máy, xe đạp. Không chỉ vậy, tất cả hè phố đều được giao cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh, hộ gia đình quản lý chặt chẽ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trông giữ xe trái phép. Giờ thì các phương tiện công cộng có thể đỗ sát vỉa hè để trả khách, vừa an toàn, vừa giảm ách tắc giao thông.

Tương tự, chú trọng tuyên truyền để người dân chung sức cùng chính quyền gắn với giao trách nhiệm cho đoàn thể, cơ quan, đơn vị, quận Hai Bà Trưng đã tổ chức thành công mô hình đưa, đón học sinh trong sân trường thay vì ngoài cổng trường như trước đó. Phó Chủ tịch UBND quận Cáp Sỹ Phong cho biết, chỉ riêng Trường THCS Tây Sơn có 2.400 học sinh, vào giờ tan trường có khoảng 1.500 xe máy, xe ô tô đỗ ngoài cổng trường thì ách tắc là điều không tránh khỏi. Sau khi thực hiện mô hình đưa, đón học sinh trong sân trường, trật tự giao thông khu vực cổng trường được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, hơn 60 trường THCS trên địa bàn phường, quận đã đồng loạt kẻ vẽ sân trường, đưa, đón học sinh ở trong trường.

Ngoài quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân cũng tạo được chuyển biến bước đầu khi chọn việc giải tỏa và lập lại trật tự văn minh, đô thị khu vực xung quanh chợ Thanh Xuân Bắc và đường Nguyễn Quý Đức (phường Thanh Xuân Bắc) làm điểm, sau đó nhân rộng ra các tuyến đường, phố và khu dân cư. Trong 7 tháng, toàn quận đã tổ chức 40 đợt ra quân quét xóa rao vặt, do đó khoảng 70% tuyến đường phố, khu dân cư sạch quảng cáo rao vặt. Ngoài ra, quận đã rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ cấp phép đối với các công trình xây dựng sau GPMB từ 15 đến 25 ngày xuống còn 5 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Công tác quản lý các ô đất còn lại sau GPMB không đủ điều kiện xây dựng công trình được tiến hành chặt chẽ, không để các chủ sử dụng đất tự ý xây dựng công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Quận Cầu Giấy hiện vẫn duy trì đều đặn phong trào tổng vệ sinh, giữ gìn môi trường vào thứ bảy hằng tuần. Mỗi phường đều lựa chọn 1-2 tuyến phố trọng điểm để lập lại trật tự. Đặc biệt, quận đã triển khai Đề án Tổ dân phố tham gia quản lý đô thị, bảo vệ vệ sinh môi trường, bước đầu huy động hệ thống chính trị ở cơ sở và nhân dân tham gia, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp hơn… Một trong những việc làm hiệu quả của quận Hoàn Kiếm là phối hợp với các lực lượng chức năng thí điểm trông giữ xe dưới lòng đường phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Việc này đã đạt được tác dụng kép: Giải quyết nhu cầu của người dân; giúp đường phố gọn gàng, văn minh hơn.

Có thể nói, hơn 7 tháng qua, cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện 3 mục tiêu trong Chỉ thị 01 của UBND thành phố: Bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường để thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường TTATGT, bảo đảm đường thông, hè thoáng; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn TTATXH. Với sự ra quân đồng loạt, quy mô, huy động nhiều lực lượng tham gia, tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. Những đơn vị làm tốt đều đã tạo chuyển biến đáng kể về trật tự đô thị, TTATGT, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; khắc phục tình trạng nhếch nhác, lộn xộn; sắp xếp lại hoạt động của mạng lưới chợ… Những đơn vị chưa thực sự tạo được chuyển biến nổi trội thì chí ít trên địa bàn đã sạch sẽ và trật tự hơn. Đây chính là tác động tích cực của việc triển khai thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị".

Tuy vậy, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, bởi xây dựng trật tự và văn minh đô thị đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, lâu dài và bền bỉ. Yêu cầu đặt ra không chỉ sắp xếp lại trật tự đô thị, hè, đường phố cho gọn gàng, ngăn nắp; giữ gìn môi trường sạch sẽ, giảm tiếng ồn và bụi, hệ thống cây xanh hợp chuẩn mà quan trọng là cần xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh và một xã hội an toàn. Vì vậy, nhiệm vụ này không chỉ đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị dồn tâm sức mà còn đòi hỏi sự hưởng ứng và hành động cụ thể của mỗi người dân Thủ đô. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo: "Xây dựng văn minh đô thị phải dựa trên sức mạnh của quần chúng nhân dân nên phải tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia, hưởng ứng mới có thể thành công". Đó chính là điều mà các quận, huyện, thị xã cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để đạt được mục tiêu thành phố đặt ra trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân là chủ thể thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.