(HNM) - Chàng Sơn là xã có số dân lớn nhất huyện Thạch Thất, với 7 thôn, hơn 8.600 nhân khẩu. Trước kia, nguồn nước sinh hoạt ở địa phương chủ yếu được lấy từ hệ thống giếng khoan, giếng đào.
Dụng cụ đựng nước của các gia đình thường xuyên khô ráo. |
Tuy nhiên, từ năm 2005 trở lại đây, hầu hết các giếng nước trong làng đều bị cạn dần; có một số giếng không còn nước, khiến người dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng… Trong những ngày qua, nhiều hộ dân ở các xóm: Mã Sổ, Mã Lão, Ngõ Ngang (thuộc thôn 1 và thôn 2) phải đi khoảng 4km để mua nước của các địa phương khác về, rồi chứa trong những chiếc thùng phuy để sử dụng dần…
Bà Nguyễn Thị Bảy, trưởng thôn 1, xã Chàng Sơn bức xúc: Hiện tại, hầu như hộ dân nào trong xã cũng phải đi mua nước do nguồn nước giếng không đủ và đang dần cạn kiệt. Ngay như gia đình tôi, ngày nào cũng phải mua 2-3 thùng phuy, mỗi lần hết hơn 100.000 đồng, khiến cuộc sống hằng ngày không chỉ gia đình tôi, mà còn biết bao gia đình khác bị đảo lộn. Không những thế, địa phương lại có nghề mộc thủ công truyền thống, nên các dung dịch hóa chất dùng để chế biến gỗ thành phẩm không được sử dụng và tiêu hủy theo quy định, xả bừa bãi ra môi trường xung quanh. Cùng với đó, các cống nước thải trong sinh hoạt ở các thôn không được khơi thông thường xuyên là tác nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp ở người già và trẻ em…
Để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất và chính quyền xã Chàng Sơn có biện pháp cụ thể, nhằm huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch, phục vụ cuộc sống lâu dài, ổn định cho nhân dân địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.