(HNM) - UBND thành phố Hà Nội đã ra văn bản số 6183/UBND-NN, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm đê điều và phòng, chống lụt bão trên địa bàn.
Tuy nhiên, vi phạm hành lang đê, đặc biệt là đê sông Nhuệ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì vẫn là vấn đề vô cùng bức xúc. Người dân tiếp tục xây dựng lều, lán, nhà kiên cố hai bên bờ sông trong khi chính quyền sở tại chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Người dân "hồn nhiên" lấn chiếm lòng song
Làm nhà ở vi phạm nghiêm trọng hành lang đê sông Nhuệ.
Sông Nhuệ là một trong những trục tiêu thoát úng ngập quan trọng trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, lòng sông đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, thậm chí gây tắc nghẽn dòng chảy. Theo thống kê của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, đến nay trên trục chính sông Nhuệ đã có 4.553 vụ vi phạm. Trong đó, huyện Thanh Trì với 400 vụ, lấn chiếm hơn 7.100m2 đất, tập trung vào 2 xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa. Tại xã Tả Thanh Oai, tình trạng xây dựng trái phép chiếm hành lang sông diễn ra khá rầm rộ, với trên 177 vụ. Các dạng vi phạm phổ biến là làm nhà cấp 3, cấp 4, dựng xưởng sản xuất, làm lều lán và xây nhà kiên cố trên hành lang sông Nhuệ, trong đó, có nhiều dạng vi phạm khó xử lý. Thực tế đã có tới hàng nghìn vụ lén lút đổ phế thải xây dựng, đất và các loại rác thải xuống lòng sông gây tắc nghẽn dòng chảy, biến nhiều đoạn sông thành mương cạn, khiến việc tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão rất chậm, đe dọa nguy cơ tràn đê có thể xảy ra ở những đoạn xung yếu. Đặc biệt, tại khu vực Cầu Bươu, nhiều hộ xây nhà tạm, nhà kiên cố lấn chiếm hành lang đê; có trường hợp san lấp hàng trăm mét vuông cơ đê rồi làm hàng rào bao quanh. Theo thiết kế, mặt thoáng của sông Nhuệ có chiều rộng 60m (chưa kể mặt đê), song nhiều nơi mặt sông chỉ còn 50m, có đoạn còn 40m.
Ông Lương Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang đê sông Nhuệ ở xã ông diễn ra vô cùng phức tạp. Hầu hết các hộ dọc hành lang đê không hiểu rõ Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (PCLB), Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi nên đua nhau lấn chiếm. Tâm lý chung của họ là nhà này cơi nới thì nhà khác cũng mở rộng, xây dựng được.
Xử lý vi phạm còn lúng túng
Thực tế cho thấy số vụ vi phạm, lấn chiếm hành lang đê thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai ngày càng rầm rộ với quy mô lớn. Theo số liệu của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, đến nay trên 20 tuyến đê chính của Hà Nội đang tồn tại khoảng 4.700 trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Trong đó có khoảng 440 trường hợp vi phạm phát sinh từ năm 2009 đến đầu năm 2010, riêng khu vực xã Tả Thanh Oai luôn được đứng trong "tốp đầu" về vi phạm hành lang đê sông Nhuệ. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho biết, khi phát hiện các vụ vi phạm hành lang đê tại địa bàn xã Tả Thanh Oai, công ty đã có Công văn số 2725CV/CT-QLNCT gửi UBND huyện Thanh Trì đề nghị xử lý. Công văn nêu rõ, hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ đang bị một số hộ ở địa bàn Cầu Bươu xã Tả Thanh Oai xây dựng lấn chiếm vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi cũng như Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi cán bộ của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ phối hợp với cán bộ địa phương lập biên bản vi phạm thì các hộ này vẫn tiếp tục hoàn thiện, thậm chí cưỡng chế hôm trước đến hôm sau họ lại cơi nới và xây mới.
Ông Lương Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết thêm, có nhiều trường hợp người dân tranh thủ những ngày nghỉ, ngày lễ tết khi chính quyền địa phương nghỉ làm việc đã cơi nới và xây dựng. Khi được phát hiện, công trình vi phạm đó đã "thành hình, thành mảng" nên xử lý rất khó. Một điều nữa là trong số hộ vi phạm có nhiều hộ đã có bìa đỏ.
Xử lý vi phạm hành lang đê là vấn đề không đơn giản, tuy nhiên cũng phải thấy rằng nếu chính quyền địa phương xử lý triệt để thì sẽ không còn tình trạng tái vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.