Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân chưa hết nhọc nhằn

Thùy Ngân| 08/07/2010 07:49

(HNM) - Luật Công chứng 2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007 và Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà nội dung đáng chú ý nhất là việc phân cấp chứng thực bản sao về cấp chính quyền cơ sở xã, phường, đã đi vào cuộc sống gần 3 năm nay.

Một cửa, nhiều lần đi lại
Giữa tháng 6 vừa qua, chị Mai Thùy Linh (quận Ba Đình) cần chứng thực bản sao đăng ký xe ô tô. Theo hiểu biết của mình về Nghị định 79/CP, chị Linh đem bản chính đăng ký xe đến UBND phường. Việc tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại không thể nhanh được...

Tại UBND phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), cô nhân viên tiếp nhận hồ sơ cho biết không thể trả kết quả chứng thực ngay vì đang giải quyết rất nhiều hồ sơ, muốn nhanh thì đến UBND phường Phan Chu Trinh. Tại UBND phường Phan Chu trinh, dù chị Linh đã cố gắng giải thích việc mình cần chứng thực ngay bản sao đăng ký xe nhưng cô nhân viên vẫn bình thản: "Chúng em còn một tập hồ sơ đang trình ký, chị phải chờ đến chiều (!)".

Theo lời mách của một số người, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) có thể giải quyết chứng thực ngay, chị Linh tức tốc phóng xe đến. Vừa trình giấy đăng ký cần chứng thực, đã nghe anh cán bộ chỉ dẫn: "Cửa hàng phôtô gần đây nhất là 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chị nhớ phôtô dư 1 bản để chúng em lưu hồ sơ." Sau khi đi phôtô, thêm chút thời gian chờ đợi, chị Linh cũng lấy được bản chứng thực để kịp trả đăng ký chính cho xe ô tô đi làm. Nhìn lên đồng hồ đã hết nửa ngày...

Rút kinh nghiệm, lần chứng thực gần đây nhất, 9h30 ngày 24-6-2010, chị Linh quyết định tìm hẳn đến một địa bàn khác, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Cô nhân viên vừa ký nhận hồ sơ vừa nói: "Bây giờ chị mới đến thì không làm được, 14h chiều quay lại. Mọi người còn đi sớm từ 7h, 8h sáng, xếp số kia kìa. Một đống hồ sơ đang cần giải quyết, làm nhanh hay chậm phụ thuộc vào số bản sao nhiều hay ít, lãnh đạo ký có mặt hay không...".

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Tư pháp phường Quang Trung: Lãnh đạo chính quyền cơ sở đã quá nhiều công việc phải giải quyết, họp hành liên miên nay kiêm nhiệm thêm việc ký văn bản chứng thực cũng là yếu tố khiến công việc này bị chậm trễ. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn trang thiết bị phục vụ (như máy photocopy...) tại nhiều phường cũng khiến thời gian chờ đợi của người dân thêm dài. Việc không phôtô bản sao tại nơi chứng thực vừa làm mất thời gian đi lại của nhân dân, vừa kéo dài công đoạn kiểm tra, đối chiếu của cán bộ giải quyết hồ sơ chứng thực.

Còn bà Thu Phương, Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết rất thật là, hằng ngày phải "gồng mình" giải quyết lượng hồ sơ chứng thực xếp chồng đống lên bàn, nhiều khi bỏ cả cơm trưa ngồi ký văn bản. Có trường hợp người dân ở địa phương khác mang 1 tờ bản đồ A0 rộng bằng mặt bàn đến yêu cầu được chứng thực khiến cán bộ lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" với điều kiện, hoàn cảnh làm việc của mình...

Quy định người dân có thể tới bất cứ cơ quan thẩm quyền nào để yêu cầu chứng thực mà không phụ thuộc vào nơi cư trú cũng gây quá tải ở một số nơi tiện đường giao thông, cơ sở vật chất đầy đủ.

Văn phòng công chứng tư có được chứng thực?
Việc ra đời các văn phòng công chứng tư cũng góp phần giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Hầu hết các quận trung tâm thành phố đều có ít nhất một văn phòng công chứng tư với nguồn nhân lực và trang thiết bị máy móc đáp ứng yêu cầu của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc chứng thực bản sao lại đang nằm ngoài chức năng, quyền hạn của đơn vị này bởi "quy định thế".

 Bà Nguyễn Thị Vân, phụ trách Văn phòng công chứng Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết, quá trình công chứng các hợp đồng, giao dịch, có khách hàng muốn nhân tiện "sao y bản chính" một số văn bản nhưng văn phòng lại phải hướng dẫn họ đến UBND phường mặc dù đây là việc có thể làm được ngay. Mong muốn của bà Vân cũng như một số người phụ trách các văn phòng công chứng tư khác là "có thêm việc để làm".

Luật Công chứng và Nghị định 79/2007 đã được thực thi gần 3 năm. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá về hiệu quả cũng như tồn tại trong quá trình triển khai để tiếp tục chỉnh sửa cho hoàn thiện, phù hợp với cuộc sống, tránh để người dân đi làm thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa” mà "nhọc" hơn đi làm đồng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân chưa hết nhọc nhằn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.