Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân châu Á chờ đón thời khắc giao thừa

Theo VOV.VN| 22/01/2012 22:46

Chỉ còn ít giờ nữa là bước sang khoảnh khắc giao thừa, năm mới 2012 đang đến rất gần, người dân ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia và cộng đồng người châu Á trên thế giới… đang tưng bừng chào đón năm Nhâm Thìn với niềm tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn năm cũ.


Tại Trung Quốc, mọi cung đường, ngõ phố tràn ngập sắc đỏ, đỏ của đèn lồng, câu đối, đỏ của sắc áo truyền thống, của những phong bao lì xì được bày bán ngập tràn trên những sạp hàng. Nhưng nổi bật giữa biển màu ấy là sắc vàng của hình tượng rồng bay được trưng bày khắp nơi.

Đèn lồng ở Trung Quốc (Ảnh Tân Hoa xã)

Người dân từ Bắc Kinh, Thượng Hải tới Quảng Châu, Thâm Quyến hay Hong Kong, Ma Cao đều tất bật trang hoàng cho hình tượng rồng, hoặc bận rộn hoàn tất những khâu chuẩn bị cho màn múa rồng hoành tráng trong đêm Giao thừa. Trước thềm năm mới, người dân Trung Quốc mong muốn một năm mới với nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người.

Một người dân Thượng Hải chia sẻ: “Mong muốn của tôi trong năm con rồng sẽ làm việc thật tốt, tất cả mọi người đều khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, năm mới mọi việc sẽ tiến triển tốt đẹp như con rồng đang bay lên”.

Tết năm nay sẽ là một cái Tết đáng nhớ đối với người dân quốc đảo Philippine, bởi năm nay Tết âm lịch bắt đầu trở thành lễ hội chính thức tại nước này. Như vậy, cùng với Giáng sinh, Phục sinh hay lễ hội Eid al-Adha và Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kể từ năm 2012, Tết âm lịch chính thức trở thành một trong 17 ngày lễ lớn tại nước này.

Cộng đồng người Trung Quốc tại Philippin đã hoan nghênh quyết định có thêm ngày lễ lớn tại đây. Năm 2012 - năm con rồng - được đánh dấu là năm khởi đầu cho điều may mắn đối với nước này.

Hơn 30 triệu người dân Hàn Quốc đã bắt đầu về quê đón Tết cách đây một tuần. Để đón chào năm mới, người dân Hàn Quốc đua nhau mua sắm, trang hoàng nhà cửa, phố phường. Người Hàn Quốc có một phong tục rất đặc biệt vào trước đêm giao thừa, đó là tắm nước nóng để tẩy trần.

Vào những ngày Tết, mọi người hầu như đều mặc trang phục truyền thống như Hanbok để làm nghi lễ cúng tổ tiên và đi chúc tết người thân và bạn bè. Hòa chung không khí rộn ràng chào đón tân xuân như một số quốc gia châu Á khác, người dân Hàn Quốc đều hy vọng năm con rồng sẽ đem đến cho họ nhiều may mắn, thịnh vượng.

Một người dân Hàn Quốc phấn khởi cho biết: “Con rồng là biểu tượng của năm 2012. Trong văn hóa Hàn Quốc con rồng luôn được coi là biểu tượng của sự may mắn, của sức mạnh và những điều tốt đẹp nhất”.

Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới cũng náo nức đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với các điệu múa lân cầu chúc cho một năm mới thịnh vượng. Múa lân là một truyền thống lâu đời của Indonesia và vào mỗi dịp tết đến xuân về, người dân nước này lại háo hức chờ được thưởng thức những điệu múa điêu luyện của các nghệ nhân.

Một nghệ nhân Indonesia phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất vui vì thấy mọi người đều yêu thích múa lân. Tôi hi vọng múa lân không chỉ là một truyền thống văn hóa, mà sẽ dần trở thành một môn thể thao có mặt tại các sự kiến quốc tế”.

Gần gũi với châu Á về mặt địa lý, thành phố cảng Sydney của Australia chào đón năm rồng theo phong cách pha trộn giữa Đông và Tây. Vào thời điểm này, hàng ngàn người dân châu Á và người dân địa phương đều đã đổ về trung tâm Sydney để tham gia lễ hội đón Tết âm lịch. Các quầy hàng thực phẩm bận rộn với những món ăn mang đậm phong cách Á Đông, đèn lồng đỏ sậc sỡ treo khắp nới.

Người dân xứ chuột túi cũng háo hức chào đón năm rồng với sự hiện diện của một “đại sứ” đặc biệt, đó là chú rồng komodo tại vườn thú Taronga, Sydney. Thị trưởng thành phố Sydney-Clover Moore cho biết lễ hội này chính là hoạt động chào đón Tết âm lịch lớn nhất ngoài khu vực châu Á.

Năm 2012 - năm con rồng - biểu tượng sức mạnh, sự sung túc, may mắn và thịnh vượng, người dân châu Á đón Tết trong hy vọng lạc quan. Mặc dù vẫn còn đâu đó khói súng và âm thanh của bom đạn, vẫn còn đâu đó những lo ngại về một nền kinh tế vẫn còn chịu nhiều tác động của thời kỳ hậu suy thoái, lạm phát tăng cao, giá cả lương thực, thực phẩm có nguy cơ "phi nước đại"... Song vượt lên tất cả là sự lạc quan tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn trong năm mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân châu Á chờ đón thời khắc giao thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.