(HNM) - Ngày 3-5-2012, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2011 chính thức được công bố. Các vấn đề xung quanh cuộc "chấm điểm" quy mô lớn nhất, nơi người dân được nói lên chính kiến của họ về nền hành chính địa phương hiện nay, đã được PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng - CECODES (tổ chức nghiên cứu phi chính phủ thuộc Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
- Ông Đặng Ngọc Dinh cho biết, PAPI 2011 là kết quả của công trình nghiên cứu công phu, được CECODES, Tạp chí Mặt trận thuộc MTTQ Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Chúng tôi đã huy động 600 người tham gia cuộc khảo sát, phỏng vấn trực tiếp 13.680 người ở 63 tỉnh, TP, mỗi người trả lời hệ thống câu hỏi dày 20 trang trong khoảng 50 phút. Đây có thể là nghiên cứu khảo sát trực tiếp điều tra chọn mẫu ngẫu nhiên lớn nhất được tiến hành tại Việt Nam cho đến nay.
Mong được địa phương phản hồi
- Chỉ số PAPI xuất hiện ba năm nay và với nhiều người, kể cả lãnh đạo các địa phương và người xây dựng chính sách, là điều quá mới mẻ. Nếu "mô tả" một cách khái quát thì chỉ số này nói lên điều gì?
- PAPI 2011 được cấu thành từ 6 lĩnh vực nội dung lớn, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công. Người dân trả lời bộ phiếu hỏi với tư cách là người "chấm điểm" chính quyền. 16 địa phương có điểm cao nhất, trong đó có: Hà Nội, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Quảng Trị, Hải Dương, Đà Nẵng... Chỉ số PAPI sẽ giúp các địa phương thấy được mình mạnh, yếu ở điểm gì mà không phải so kè nhau về thứ bậc. Số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố sẽ cho cái nhìn toàn diện về công tác quản trị, hành chính công tại Việt Nam sau một năm, từ đó góp phần đưa ra những chính sách cải cách sát với thực tế.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh. |
- Là người trực tiếp chủ trì công việc này trong ba năm qua, ông nhận thấy đã có sự khác biệt, chuyển biến gì từ nền hành chính nước ta sau khi được "chấm điểm", thưa ông?
- Hai năm 2009 và 2010, PAPI chỉ được nghiên cứu trên diện hẹp, lần lượt là tại 3 và 30 tỉnh, thành. Năm 2011, công việc này được đánh giá toàn diện tại tất cả địa phương trên cả nước nên độ tin cậy chắc chắn cao hơn. Qua ba năm, tôi thấy người dân rất công tâm khi họ nhìn nhận sự thay đổi của nền hành chính nhà nước. Đó là các thủ tục chứng thực, hành chính "một cửa", xin dấu, đăng ký kết hôn... đều được đánh giá cao và chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến nền hành chính hiện đại như sự giải trình, phúc đáp đòi hỏi của dân vẫn còn là những thách thức lớn. Tôi nghĩ, vấn đề này không dễ thay đổi trong thời gian ngắn.
- Một tỉnh nào đó bị "chê", cũng có nghĩa dân "chấm điểm" thấp, lãnh đạo ở đó có phản hồi?
- Không có địa phương nào phản hồi. Chúng tôi còn sợ chính quyền địa phương thờ ơ không quan tâm. Tuy nhiên, đã có không ít cơ quan coi PAPI là một kênh tham khảo thông tin hữu hiệu. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng BCĐ Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã sử dụng một số nghiên cứu của PAPI để đưa vào báo cáo của Chính phủ và khung theo dõi, đánh giá về tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì thực hiện cải cách hành chính - cũng đang xem xét sử dụng PAPI làm công cụ mang tính tham khảo và bổ sung cho Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính ở trung ương và địa phương.
Ở cấp địa phương, tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các sở, ngành xây dựng đề án chi tiết về việc cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công sau khi đơn vị này có thứ hạng 30/30 tỉnh, thành phố của chỉ số PAPI 2010. Sở Nội vụ Đà Nẵng đã chủ động thông tin cho lãnh đạo TP về mức độ hiệu quả ở từng lĩnh vực được phản ánh qua chỉ số PAPI để tiến tới theo dõi hiệu quả của các sở, ngành. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã cho phân tích và xem PAPI là nguồn dữ liệu tham khảo cho quá trình ra quyết sách và đẩy mạnh hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp.
Chính sách đất đai phải được 70-80% người dân ủng hộ - PAPI 2011 đề cập đến nhiều vấn đề, vậy lĩnh vực nào được người dân cho là họ thường gặp khó khăn nhất khi giao tiếp với chính quyền?
- Đó chính là sự công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy, cứ 10 người dân thì khoảng 8 người không biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay của xã, phường, thị trấn. Người dân không nắm được việc này có thể là cơ hội tốt cho một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền để trục lợi. Tuy nhiên, có tín hiệu vui đó là đối với những người được biết thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì những thông tin nhận được là do chính quyền địa phương cung cấp thay vì phải dựa vào các nguồn thông tin không chính thống khác.
- Theo tôi, kết quả nghiên cứu trên sát với thực tế khi đất đai đang là một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay, khi các vấn đề xã hội phức tạp thường liên quan đến lĩnh vực này. Ông đã từng chủ trì những đề tài nghiên cứu về việc thu hồi đất của nông dân để làm đô thị, khu công nghiệp, vậy theo ông, chính sách đất đai của chúng ta hiện nay vướng mắc ở đâu?
- Đúng là chính sách đất đai của chúng ta còn nhiều bất cập trước thực tế. Điều này có thể thấy rõ qua kết quả khảo sát khi gần 30% số hộ gia đình được hỏi thì chỉ có rất ít người cho biết giá đền bù là xấp xỉ giá thị trường. 2/3 số người dân không biết đến đâu để tìm kiếm thông tin về khung giá đất được chính quyền địa phương ban hành.
Rõ ràng, các chủ trương, chính sách về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của chúng ta còn nhiều điểm chồng chéo, chưa hài hòa được lợi ích giữa xã hội, doanh nghiệp và người dân. Điều đó dẫn đến những mâu thuẫn và thiệt thòi phần nhiều vẫn nghiêng về phía người dân. Ví dụ, theo quy định, khi xây dựng khu đô thị thì doanh nghiệp phải thỏa thuận đền bù đất đai cho người dân theo giá thị trường. Nhưng thực tế, việc đền bù đó lại không sát hoặc thấp hơn nhiều so với giá thị trường, dẫn đến khiếu kiện. Bên cạnh đó, việc đối thoại với người dân trước khi thực hiện thu hồi đất cũng chưa được các cấp chính quyền, doanh nghiệp quan tâm, nên không tìm được tiếng nói chung. Tôi cho rằng, trong câu chuyện đất đai thì không phải lúc nào vấn đề tiền cũng là quan trọng mà chính là sự công bằng để người dân cảm thấy họ không bị thiệt thòi, bị nhóm lợi ích chi phối. Ngoài ra, chính sách đền bù khi thu hồi đất phải tính cả giá cơ hội, tức là phải tính đến sinh kế của người dân, tương lai sau này của con cái họ. Tôi nghĩ, một chính sách khó có thể được 100% người tán đồng nhưng nhất thiết nó phải được 70-80% người ủng hộ mới khả thi và đạt kết quả tốt khi đi vào cuộc sống.
Tham nhũng "vặt" đang trở nên phổ biến
- Xin trở lại câu chuyện kiểm soát tham nhũng - một trong 6 lĩnh vực đánh giá chỉ số PAPI, kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng tham nhũng "vặt" là khá phổ biến. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
- PAPI là sự trải nghiệm của người dân nên không đề cập tới chuyện tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, khoáng sản... mà đề cập những vấn đề gắn liền với đời sống hằng ngày như y tế, giáo dục, xin việc làm... Kết quả khảo sát cho thấy, khi được hỏi về một số hành vi tham nhũng cụ thể trong khu vực công, đa số người dân cho rằng, có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công (chiếm 31%); xin vào làm trong khu vực nhà nước (29%); xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (21%); để giáo viên quan tâm hơn tới học sinh ở trường (17%) và xin cấp giấy phép xây dựng (16%). Điều đó cho thấy, tham nhũng "vặt" đã trở thành phổ biến. Thậm chí nhiều người dân cho rằng khi đến bệnh viện khám chữa bệnh hay đi xin việc... thì tiền "lót tay" là việc bình thường và coi là việc làm quyết định sự "thành - bại". Nhưng với những người làm chính sách thì điều này đáng để suy nghĩ.
- Theo ông, cơ chế phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay đã đầy đủ và thể hiện tính nghiêm minh chưa?
- Tôi nghĩ, cốt lõi trong vấn đề phòng, chống tham nhũng không phải chỉ là chuyện thực thi pháp luật chưa nghiêm mà cần đòi hỏi sự đồng thuận của hệ thống pháp luật: chính sách lương, đô thị hóa, công nghiệp hóa... Đó là việc Nhà nước xây dựng được nền quản trị có tính thăng bằng giữa người dân, chính quyền và các thực thể khác, không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế… Trong đó, cơ quan công quyền cần coi người dân là khách hàng và khách hàng đó có quyền và khả năng đánh giá hiệu quả của nền quản trị và các dịch vụ hành chính. Khi xuất hiện những xung đột, mà những xung đột thì luôn xuất hiện trong đời sống, cần phải được giải quyết hài hòa, lắng nghe dân, cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp (chủ đầu tư).
- Xin cảm ơn PGS-TS!
- Mức tiền hối lộ trung bình trên toàn quốc ở bệnh viện tuyến quận, huyện là 2,6 triệu đồng và ở trường tiểu học để học sinh được quan tâm đặc biệt hơn là 1,2 triệu đồng. - Trung bình trên cả nước chỉ có 40,33% người được hỏi cho biết không có hiện tượng "lót tay" để xin việc làm trong các cơ quan nhà nước. - Những lý do người dân giải thích về việc tại sao mặc dù là nạn nhân của tham nhũng vặt nhưng người dân không tố cáo rất đa dạng: 47,45% cho biết tố cáo không mang lại lợi ích gì; 12,77% sợ bị trù úm, trả thù; 11,31% thấy rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà; 10,22% không biết tố cáo như thế nào và số còn lại đưa ra nhiều lý do khác nhau hoặc từ chối trả lời. Nguồn: Báo cáo PAPI 2011 |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.